Bất động sản

4 dự án cao tốc đều 'hụt thu', VEC không được Chính phủ giải ngân vốn

(VNF) - "Hiện tại, 4/5 tuyến cao tốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã hoàn thành và đang được thu phí. Tuy nhiên, dự án nào cũng lỗ khiến Chính phủ yêu cầu dừng giao vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho VEC", đại diện Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho biết.

4 dự án cao tốc đều 'hụt thu', VEC không được Chính phủ giải ngân vốn

Cao tốc Bến Lức - Long Thành 'kêu cứu'

Trước đó, tháng 3/2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong việc gia hạn hiệp định vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho dự án tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư.

Bộ GTVT nêu, nguồn vốn ADB trong dự án có tổng trị giá ở 2 hiệp định vay là 636 triệu USD. Trong đó, hiệp định vay vốn lần 1 (2730-VIE) trị giá 350 triệu USD, hiệu lực từ tháng 12/2011 và do không được gia hạn nên nhà tài trợ ADB đã đóng khoản vay này vào ngày 30/6/2019.

Còn với hiệp định vay vốn lần 2 (3391-VIE), trị giá 286 triệu USD, sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2020 và nhiều nguy cơ không được gia hạn.Hiện cao tốc Bến Lức - Long Thành đã đạt khoảng 76% khối lượng thi công nhưng đang trong cảnh đình trệ bởi thiếu vốn.

"Hiện tại, hiệp định vay vốn lần 1 của nhà tài trợ ADB do kết thúc từ tháng 6/2019 nên không còn nguồn vốn nào đầu tư cho đoạn này, dẫn đến nguy cơ các nhà thầu sẽ khiếu nại, khiếu kiện. Riêng hiệp định vay vốn lần 2, phía nhà tài trợ ADB yêu cầu chủ đầu tư dự án là VEC phải khẩn trương làm việc với các cơ quan trong nước để gia hạn khoản vay lần 2 đến ngày 14/12/2020, cần thiết thì đề xuất gia hạn Hiệp định tài trợ khung cho cả hai khoản vay (MFF)".

Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Bộ Tài chính có công thư đề xuất gia hạn hiệp định vay gửi tới ADB tối thiểu 3 tháng trước ngày đóng khoản vay (tức chậm nhất là ngày 31/3, bởi hiệp định vay kết thúc ngày 30/6/2020). Trường hợp thủ tục gia hạn hiệp định vay vốn lần 2 gửi đến chậm, ADB sẽ không thể thực hiện các thủ tục liên quan.

Mặt khác, Bộ GTVT cũng cho biết các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, hiệp định vay chỉ có thể tiếp tục triển khai sau khi Chính phủ phân rõ trách nhiệm "cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư" của dự án.

Tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, một vướng mắc lớn là hiện chưa xác định được thẩm quyền cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư dự án.

Cụ thể, từ tháng 9/2018, VEC được bàn giao từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhưng đến nay chưa xác định được cơ quan nào thực hiện quyền và nhiệm vụ quyết định đầu tư dự án, dẫn tới việc giao kế hoạch vốn đầu tư công, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay... chưa được giải quyết.

Tắc vốn do VEC chuyển về Uỷ ban?

Trả lời VietnamFinance về vấn đề này, đại diện Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết: "Cần khẳng định lại việc không giao vốn NSNN từ kế hoạch năm 2019 đến nay cho VEC không phải do VEC chuyển về Uỷ ban".

Nên nhớ, VEC được thành lập theo chủ trương thí điểm mô hình doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác, kinh doanh hoàn vốn trong lĩnh vực đường bộ cao tốc theo Quyết định số 3033/QĐ-BGTVT ngày 06/10/2004 của Bộ Giao thông vận tải.

Theo Quyết định đầu tư ban đầu VEC vay lại toàn bộ vốn để đầu tư các dự án. Tuy nhiên, do các dự án đầu tư đường cao tốc có suất đầu tư lớn, nguồn thu không đủ để hoàn vốn đầu tư dẫn đến sau một thời gian hoạt động, nguồn thu phí của VEC không đủ cân đối để trả các khoản vốn vay này.

Trước những khó khăn của VEC, ngày 08/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2072/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC, nhà nước hỗ trợ đầu tư cho VEC thông qua việc đầu tư trực tiếp vào các dự án phần thiếu hụt không đủ trả nợ các khoản vay.

Tuy nhiên, ngày 9/11/2016 Quốc hội có Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và ngày 18/11/2016 Bộ Chính trị có Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đều quy định: Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

Đại diện CMSC khẳng định: Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ số vốn đầu tư các dự án do VEC quản lý giải ngân từ năm 2013 đến 2020, đều chưa được Quốc hội thông qua quyết toán.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, từ kế hoạch năm 2019 Quốc hội, Chính phủ yêu cầu dừng chưa giao vốn NSNN cho VEC để thực hiện các dự án này cho đến khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận việc chuyển vốn vay lại thành vốn NSNN cấp phát.

Quốc hội chưa giao vốn cho VEC và VIDIFI

Hiện tại có 2 tổng công ty chưa được giao vốn khi đầu từ hạ tầng là VEC và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).

Lý do việc dừng giao vốn ngân sách nhà nước cho các dự án của VEC từ kế hoạch năm 2019 là thực hiện theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, chưa phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam.

Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15/7/2019 của Chính phủ cũng nêu rõ, chưa giao kế hoạch vốn nước ngoài cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 71/2018/QH14.

Điều này cho thấy, không phải lý do VEC chuyển về CMSC nên chưa rõ Bộ Giao thông vận tải hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan có có thẩm quyền nhận và giao vốn NSNN cho đơn vị.

 

Tin mới lên