Diễn đàn VNF

45 năm thống nhất: Tìm động lực tăng trưởng cho TP. HCM giai đoạn 2021 - 2025.

(VNF) - Với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, TP. HCM chiếm 0,6% diện tích đất đai, 9,4% dân số và 8,7% lao động cả nước, nhưng GRDP thành phố năm 2020 ước chiếm tới 22,8% GDP quốc gia. Để tiếp tục duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của đất nước, trở thành trung tâm tài chính của đất nước và khu vực châu Á giai đoạn 2020 - 2030 và là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khi Đông Nam Á, thành phố cần tiếp tục chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phát triển 2021 - 2025.

45 năm thống nhất: Tìm động lực tăng trưởng cho TP. HCM giai đoạn 2021 - 2025.

TP. HCM cần tiếp tục chú trọng phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phát triển 2021 - 2025.

Giai đoạn 2016-2020, kinh tế thành phố tăng trưởng khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 (5.104 USD) và gấp 2,3 lần so với cả nước.

Ngành dịch vụ phát triển đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, chất lượng, tăng trưởng bình quân đạt 8,3%/năm; giá trị gia tăng dịch vụ của thành phố chiếm hơn 33% giá trị gia tăng toàn ngành dịch vụ, đứng đầu cả nước. Ngành công nghiệp với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng bình quân 7,86%/năm, giá trị gia tăng công nghiệp thành phố chiếm 16% toàn ngành, đứng đầu cả nước.

Khu công nghệ cao thành phố đã phát triển mạnh mẽ, tổng giá trị xuất khẩu 5 năm qua đạt 70 tỷ USD. Ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp của năm 2019 đạt 550 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 lần năm 2015 (367 triệu đồng/ha/năm). Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân ngành nông nghiệp là 5,82%/năm.

Hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển kinh tế tri thức; tập trung nghiên cứu phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ luôn gắn kết với thực tiễn.

Thành phố đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và làm chủ công nghệ, trong đó đã hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến công nghệ, hiện đại hóa thiết bị sản xuất, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng và quản trị tài sản trí tuệ, tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khẳng định giá trị thương hiệu và phát triển bền vững.

Nhiều chính sách cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ và đang trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo được thành phố quan tâm thúc đẩy. Từ năm 2018, thành phố đã triển khai đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP. HCM (gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức).

Tuy nhiên, chế độ chính sách để thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển còn bất cập, hạn chế, chưa đầu tư thích đáng cho hoạt động sáng tạo. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Mối liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ giữa trường - viện và doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chưa thực sự chặt chẽ và bền vững. Doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư nhiều vào hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới và sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.

Lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, tuy nhiên còn thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, những chuyên gia đầu ngành, nhất là trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo.

Để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng những giải pháp:

(1) Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động mọi nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố.

(2) Xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố nhằm liên kết các trường, viện với doanh nghiệp, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm, phục vụ giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, sản xuất kinh doanh và nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp.

(3) Đổi mới hạ tầng khoa học và công nghệ thành phố, hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo trên cơ sở sắp xếp lại các tổ chức khoa học - công nghệ công lập, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ.

(4) Triển khai quy hoạch và xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố (bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức), thúc đẩy hình thành các không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo.

(5) Thúc đẩy đào tạo và phát huy nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển thành phố, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong hệ thống công lập và ngoài công lập.

(6) Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.

Tin mới lên