Bất động sản

48 năm giải phóng Đà Nẵng: Nhiều công trình trọng điểm về đích

(VNF) - Trong dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng TP. Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2023) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, địa phương này sẽ tổ chức khánh thành và khởi công nhiều dự án trọng điểm.

48 năm giải phóng Đà Nẵng: Nhiều công trình trọng điểm về đích

Trong số các công trình trọng điểm, thành phố sẽ khánh thành hai dự án giao thông trọng điểm, mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hai dự án giao thông trọng điểm này là tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan và Tuyến đường vành đai phía Tây 2 (đoạn từ đường số 8 đến cuối tuyến nam hầm Hải Vân).

Đánh giá tầm quan trọng của các công trình giao thông, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc phát triển cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

“Nhìn nhận tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thành phố từ nhiều năm nay luôn quan tâm để thúc đẩy cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là các tuyến đường trọng điểm mang tính chiến lược thúc đẩy nền kinh tế. Hạn tầng phát triển cũng tạo cho địa phương một bàn đạp trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn “gieo hạt” tại địa phương”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhận định.

Với vai trò trên, tính riêng năm 2022, UBND TP. Đà Nẵng phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án động lực, trọng điểm. Trong đó, riêng nguồn lực vốn đầu tư các dự án công trình giao thông có giá trị gần 1.529 tỷ đồng, với 66 công trình.

Là đơn vị nhà thầu thi công dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan, ông Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần công trình xây dựng 545 cho biết, dự án có chiều dài khoảng 7km với tổng vốn đầu tư hơn 745 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu xây lắp có giá trị 526 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2017 và kế hoạch hoàn thành là trong năm 2020. Sau đó, dự án đã phải mắt gần một năm rưỡi “bất động” do không có mặt bằng và thiếu vật liệu san nền. Đến đầu tháng 6/2022, nhà thầu mới tái thi công trở lại tuyến đường ven sông Tuyên Sơn – Túy Loan.

Tại thời điểm thi công lại, Công ty Cổ phần xây dựng công trình 545 đã huy động khoảng 100 nhân lực, gần chục thiết bị, máy xúc chia làm 4 nhóm thi công các hạng mục trên công trường. Cùng với đó đó, khi gặp khó khăn về vật liệu san nền, thành phố đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu. Nhờ vậy, dự án đến nay cơ bản đã hoàn thiện, đơn vị cũng đang triển khai một số hạng mục còn lại.

“Có thời điểm, dự án dừng thi công hoàn toàn gần một năm rưỡi do không có mặt bằng nên Nhà thầu phải điều thiết bị cho dự án khác. Đến khi có mặt bằng thì lại không có nguồn vật liệu đắp nền nên việc thi công tiếp tục bị dừng. Nhờ hai vấn đề trên được tháo gỡ, đơn đã đẩy nhanh tiến độ để đưa Dự án về đích trước dịp 30/4”, ông Hồ Anh Sơn nói.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng tại 2 dự án đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan và Tuyến đường vành đai phía Tây 2 (đoạn từ đường số 8 đến cuối tuyến nam hầm Hải Vân), ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết các dự án này đa số gặp phải những tồn đọng từ nhiều năm trước. Nguyên nhân là do đơn vị làm công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vốn dự án không có.

Việc dự án kéo dài nhiều năm dẫn đến chênh lệch giá bồi thường, giá nhân công xây dựng, vật liệu xây dựng so với tại thời điểm giải phóng mặt bằng. Sự chênh lệch về chính sách và giá bồi thường giữa người được áp dụng theo thời điểm đã ban hành chính sách cũ với người đang được thực hiện chính sách mới.

Nói về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hộ dân chậm bàn giao mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng việc trình đơn giá đất hiện nay để các cơ quan chuyên môn thẩm định phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, Hội đồng Bồi thường dự án chờ Quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền quá lâu; Giá bồi thường về đất thấp, tuy nhiên giá thu tiền sử dụng đất cao (chênh lệch gấp 2,5 đến 3 lần). Đối với một số hộ dân có diện tích thu hồi đất ở dưới 300m2 được bố trí lại 1 lô đất tái định cư, tuy nhiên tiền bồi thường về đất, nhà cửa, vật kiến trúc không đủ để các hộ dân nộp tiền sử dụng đất và xây dựng lại nhà để ở.

Bên cạnh đó, giá bồi thường về nhà, vật kiến trúc theo quy định thấp hơn so với thực tế. Đó là nguyên nhân khiến người dân chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, công tác quy hoạch chưa được đồng bộ cũng khiến cho việc phê duyệt dự án chậm, các khu đất bố trí chưa có đất tái định cư thực tế dẫn đến người dân chưa bàn giao mặt bằng.

“Chưa kể, người dân có tâm lý chờ đợi đến cùng, khi chuẩn bị xử lý cưỡng chế mới chấp nhận bàn giao mặt bằng. Các hộ dân chây ì chưa muốn bàn giao mặt bằng vì chờ Hội đồng Bồi thường dự án tiếp dân để được hỗ trợ thêm kinh phí, bố trí thêm đất tái định cư vượt khung ngoài phương án lúc đó mới bàn giao mặt bằng”, vị Phó Chủ tịch huyện Hòa Vang chia sẻ.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, giải ngân đầu tư công, thành phố đã yêu cầu các địa phương tập trung giải tỏa đền bù, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Trong đó, địa phương đã chú trọng đến việc giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân, tháo gỡ vướng về đơn giá, phương án tái định cư… để người dân yên tâm bàn giao mặt bằng. Nhờ đó, các dự án này đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị triển khai thi công.

Tin mới lên