6 câu chuyện chi phối thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2020

Thanh Long - 05/02/2020 08:22 (GMT+7)

(VNF) - BSC đánh giá hiện Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào P/E hấp dẫn, mức tăng trưởng lợi nhuận ghi nhận ở mức hai con số. Vướng mắc về số lượng hạn chế các hàng hóa có quy mô vốn hóa lớn sẽ được khắc phục dần thông qua việc cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp lớn.

VNF
Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào P/E hấp dẫn, mức tăng trưởng lợi nhuận ghi nhận ở mức hai con số.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố Báo cáo Triển vọng ngành 2020, với quan điểm tích cực về Vĩ mô và Thận Trọng với thị trường nói chung.

Theo BSC, có 6 câu chuyện sẽ chi phối thị trường chứng khoán trong năm 2020. Đầu tiên là câu chuyện thu hút dòng vốn nước ngoài đón đầu kỳ vọng nâng hạng.

Cụ thể, năm 2020, dự thảo về luật Doanh nghiệp sửa đổi và luật Đầu tư cũng sẽ được đệ trình lên Quốc Hội, với kỳ vọng dự kiến các luật này được thông qua sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng thị trường như cải thiện khung pháp lý về giới hạn sỡ hữu nước ngoài (FOL), hoạt động thanh toán và quy chuẩn công bố thông tin.

"Chúng ta có thể kỳ vọng vào năm 2020 khi luật Chứng Khoán có hiệu lực và tỷ trọng Việt Nam trong MSCI Frontier có thể tăng lên 30% khi Kuwait được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Trong trường hợp nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng trọng 2021 thì đây sẽ là bất ngờ lớn", BSC cho hay.

Câu chuyện đáng chú ý thứ hai của năm 2020 là các sản phẩm mới về Chứng Quyền và Quỹ ETF mới đã triển khai 2019 mang tới kỳ vọng đón nhận dòng tiền ETF của nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm 2020.

Ngày 18/11/2019, HoSE đã chính thức triển khai ba bộ chỉ số mới bao gồm VN Diamond, VNFin Lead và VNFin Select với thành phần chủ yếu là các cổ phiếu hết room và các cổ phiếu tài chính – ngân hàng.

BSC kỳ vọng các quỹ ETF dựa trên các bộ chỉ số này sẽ sớm được triển khai trong nửa đầu năm 2020, qua đó thu hút dòng vốn ngoại và hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020.

Thứ ba là kỳ vọng tiến trình niêm yết/cổ phần hóa và chuyển sàn từ năm 2020 sẽ cải thiện hơn trước áp lực hoàn thành kế hoạch do tiến độ chậm chạp trong vòng giai đoạn năm 2018-2019.

BSC cho hay tính đến tháng 9/2019 mới chỉ có 36/127 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa và hoàn thành thoái vốn được 89/405 doanh nghiệp, tương đương lần lượt hoàn thành 28,3% và 21,9% so với kế hoạch đặt ra giai đoạn 2016-2020.

Với tỷ lệ thực hiện kế hoạch đang ở mức thấp cũng như áp lực về thời gian còn lại là khá ít, BSC cho rằng tiến trình niêm yết/cổ phần hóa sẽ được đẩy mạnh từ sau năm 2020.

Theo quyết định của Chính phủ, dự kiến sẽ có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong đó, có một số tập đoàn kinh tế lớn như Agribank, Genco1, Vinachem, TKV, VNPT, Mobifone, Vicem, Tổng công ty Bến Thành…

BSC đánh giá hiện Việt Nam là thị trường có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào P/E hấp dẫn, mức tăng trưởng lợi nhuận ghi nhận hai con số. Vướng mắc về số lượng hạn chế các hàng hóa có quy mô vốn hóa lớn sẽ được khắc phục dần thông qua việc cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn kể trên.

Câu chuyện chi phối thứ tư là sự thay đổi thứ tự trong rổ VN30, dự báo sẽ có ảnh hưởng lớn đến VN-Index năm 2020.

Trong năm 2019, rổ VN30 đã có sự thay đổi lớn với nhiều mã cổ phiếu có vốn hóa lớn được thêm vào như VHM, TCB, HDB,…Theo đó, tổng tỷ trọng nhóm VN30 tính tới thời điểm 24/12/2019 đã chiếm 79% tổng vốn hóa VN-Index, tăng từ mức 63,9% đầu năm 2019, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng nhất định của việc tái cơ cấu trong danh mục VN30.

Theo dự báo của BSC, nhóm VN30 sẽ tiếp tục có thêm sự bổ sung chất lượng từ các cổ phiếu lớn khác trong kỳ review Q1/2020 là POW và PLX, hai cổ phiếu bị loại tương ứng là DPM và CTD, nhóm các cổ phiếu dự phòng là TPB, GEX, KDH, DXG. Theo đó, trong trường hợp POW và PLX được thêm vào, nhóm danh mục VN30 mới sẽ chiếm khoảng 81,3% tổng vốn hóa VN-Index.

Câu chuyện kế tiếp là nhóm cổ phiếu blue chip, đặc biệt là các nhóm ngành Ngân hàng, Bán lẻ và Công nghệ thông tin được dự báo sẽ là các nhóm duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số trong năm 2020.

Ngoài ra, nhóm ngành cổ phiếu phòng thủ như Điện, Dược cũng sẽ là nơi trú ẩn trước những “cơn gió ngược chiều” như căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh Corona.

BSC nhấn mạnh thêm, những dịch bệnh như virus Corona có thể có những ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, xuất-nhập khẩu và tăng trưởng GDP Việt Nam. Công ty chứng khoán này cho rằng trong ngắn hạn tồn tại một rủi ro nhất định nhưng trong trung dài hạn sẽ là cơ hội sau khi dịch bệnh được kiềm chế.

Cuối cùng là câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến sẽ chưa có nhiều biến chuyển tích cực trong năm 2020, tuy nhiên được kỳ vọng thay đổi trạng thái từ năm 2021.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 còn rất thấp, chỉ đạt gần 62.9% so với kế hoạch, tương đương với 270 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện liên tục suy giảm từ 2016 và khá thấp so với cùng kỳ năm trước mặc dù chính phủ đã ban hành các thông tư và nghị quyết đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Bắt đầu từ 1/1/2020, Luật Đầu tư công mới sẽ có hiệu lực, giúp đẩy nhanh thủ tục xét duyệt về vấn đề nguồn vốn và có thể cải thiện tiến độ giải ngân một số dự án. Tuy nhiên theo BSC, các thủ tục này vẫn sẽ phải chờ thêm các thông tư, hướng dẫn thực hiện đi kèm.

Ngoài ra, những vấn đề khác như thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, việc xét duyệt tính khả thi dự án và quyết toán các dự án vẫn là những vấn đề cần Chính Phủ chú ý trong năm 2020 nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

"Do đó, chúng tôi cho rằng đầu tư công năm 2020 dự kiến sẽ kỳ vọng cải thiện hơn so với năm 2019 nhưng mức độ cải thiện sẽ không lớn, tuy nhiên BSC cho rằng trạng thái này sẽ có những chuyển biến tích cực và đáng kể hơn từ năm 2021", báo cáo của BSC cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác