Tiêu điểm

75 năm Quốc khánh, Thủ tướng gửi thông điệp: ‘Tiếng nói của Việt Nam phải được lắng nghe, tôn trọng’

(VNF) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nhiều nước nhỏ và vừa, trong đó có Việt Nam, đã phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ trong đấu tranh vì độc lập, phát triển đất nước và nay đang có những đóng góp quan trọng. Tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe, tôn trọng”.

75 năm Quốc khánh, Thủ tướng gửi thông điệp: ‘Tiếng nói của Việt Nam phải được lắng nghe, tôn trọng’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tối 28/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã chủ trì lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020).

Phát biểu tại lễ kỉ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua 75 năm, Việt Nam đang ngày càng vươn tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Điều này được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá cao, đời sống nhân dân được cải thiện, ổn định chính trị-xã hội được giữ vững, quốc phòng-an ninh được bảo đảm, thể chế pháp luật ngày càng hoàn thiện; quan hệ đối ngoại được mở rộng. Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hoà bình, hợp tác tại khu vực và trên toàn cầu.

“Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đó là minh chứng cho tinh thần, ý chí mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam, khẳng định vai trò là người bạn, đối tác tin cậy của bạn bè và đối tác quốc tế”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Việt Nam có độ mở lớn về kinh tế và giao lưu thương mại nên đang chịu những thiệt hại lớn từ đại dịch. Nhưng Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Những thành tựu nửa đầu năm 2020 đã cho thấy điều đó với GDP tăng trưởng dương, đạt gần 2%, cán cân thương mại thặng dư gần 11 tỷ USD, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnh trở lại.

Theo xếp hạng sức khoẻ tài chính của tạp chí The Economist tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm “An toàn” trong bối cảnh đại dịch.

Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung làm tốt vai trò kiến tạo phát triển và quyết tâm hành động đổi mới, tái cơ cấu kinh tế bền vững, tự cường và chuyển đổi sang nền kinh tế số, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả. 

Dề cập tới vấn đề hội nhập quốc tế, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã bước đầu đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch ASEAN 2020, chủ tịch AIPA 41 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong nỗ lực thực hiện các trọng trách quốc tế, Thủ tướng cho rằng: toàn cầu hóa, liên kết và hội nhập quốc tế dù đang gặp nhiều khó khăn, trắc trở nhưng vẫn là xu thế lớn đưa nhân loại phát triển. “Chúng ta hãy chung tay để toàn cầu hóa trở nên bền vững, nhân văn và an toàn hơn trong thời gian tới”.

Thủ tướng cũng gửi gắm thông điệp cần cùng nhau cải cách các thể chế đa phương theo hướng hiệu quả hơn, mang tính đại diện và thích ứng tốt hơn. Trong đó, Liên hợp quốc ở vị trí trung tâm, các tổ chức như ASEAN là bộ phận hợp thành, để xây dựng trật tự quốc tế công bằng và bền vững. Và Việt Nam luôn tích cực trong tiến trình này.

Nhấn mạnh hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là nguyện vọng của các nước và người dân trên toàn thế giới, Thủ tướng cho rằng trong các quan hệ quốc tế, mọi dân tộc, mọi quốc gia cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của nhau. 

“Nhiều nước nhỏ và vừa, trong đó có Việt Nam, đã phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ trong đấu tranh vì độc lập, phát triển đất nước và nay đang có những đóng góp quan trọng. Tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe, tôn trọng”, Thủ tướng nêu rõ.

Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam đang hướng tới hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đại hội Đảng sẽ đề ra những định hướng chiến lược cho phát triển đất nước đến 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, Việt Nam quyết tâm tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ ASEAN 2020 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021) và các trọng trách quốc tế khác.

“Tương lai của Việt Nam song hành với hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ cùng các nước phòng chống đại dịch hiệu quả cũng như cùng phục hồi, phát triển kinh tế”, Thủ tướng bày tỏ.

Tin mới lên