(VNF) - Nền kinh tế Ai Cập đã chịu áp lực nặng nề trong năm qua, với việc đồng bảng Ai Cập sụt giảm, ngoại tệ cạn kiệt và lạm phát tăng vọt.
Nguyên nhân sâu xa dẫn tới bất ổn kinh tế
Một số nguyên nhân đã có từ nhiều thập kỷ trước, chẳng hạn như chính sách phát triển công nghiệp và xuất khẩu thất bại đã tạo ra thâm hụt thương mại dai dẳng.
Ngoài ra, việc đồng tiền được định giá quá cao, trong khi các thể chế quản lý còn nhiều bất ổn đã khiến việc đầu tư và cạnh tranh trên thị trường trở nên ảm đạm. Các gói trợ cấp, dù hiện tại đã giảm nhiều, từ lâu đã khiến ngân sách nước này cạn kiệt.
Đầu tư nước ngoài bên ngoài lĩnh vực dầu khí rất ít, khiến các khoản thu từ kiều hối, phí quá cảnh Kênh đào Suez và du lịch đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
Theo Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, tình trạng kinh tế Ai Cập đã trở nên hỗn loạn sau cuộc nổi dậy năm 2011 và tốc độ tăng dân số nhanh chóng (khoảng 1,7% vào năm 2021, theo dữ liệu World Bank). Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2020, như mọi quốc gia khác trên thế giới, Ai Cập cũng chịu những tác động từ đại dịch Covid-19 và cuộc chiến quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thế giới, việc duy trì đồng bảng Ai Cập đắt đỏ, sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài trong khi không cải thiện cơ cấu kinh tế, đi kèm với những chính sách không mấy hiệu quả mới là nguyên nhân khiến tình hình kinh tế đất nước ngày càng trầm trọng.
Tình trạng nền kinh tế hiện tại
Nền kinh tế Ai Cập đang tăng trưởng ổn định, nhưng do dân số tăng đột biến, nên tác động tích cực từ sự tăng trưởng, được dự báo ở mức 4 - 5% trong năm nay, cũng trở nên nhỏ bé hơn. Theo nhiều người dân Ai Cập, mức sống của họ đang dần bị huỷ hoại.
Kể từ tháng 3/2022, đồng bảng của Ai Cập đã mất giá gần 50% so với đồng USD. Tình trạng thiếu hụt USD trầm trọng đã cản trở hoạt động nhập khẩu và gây ra tình trạng tồn đọng hàng hóa tại các cảng, gây tác động dây chuyền đối với ngành công nghiệp địa phương.
Theo dữ liệu chính thức, lạm phát hàng năm tại Ai Cập đã tăng lên 25,8% trong tháng 1, mức cao nhất trong 5 năm. Giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu đã tăng nhanh hơn nhiều.
Theo dữ liệu được tổng hợp bởi các tổ chức quốc tế cũng như báo cáo từ chính phủ, Ai Cập có khoảng 30% dân số là người nghèo trước đại dịch Covid-19. Tới nay, con số đã tăng gấp đôi, với khoảng 60% trong số 104 triệu công dân của Ai Cập sống dưới mức nghèo hoặc gần với mức nghèo.
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống chỉ còn hơn 7%, nhưng tỷ lệ tham gia thị trường lao động cũng giảm dần trong thập kỷ tính đến năm 2020. Hệ thống giáo dục trong tình trạng đáng báo động, còn những sinh viên tốt nghiệp thì không lựa chọn ở lại trong nước mà tìm kiếm các cơ hội ra nước ngoài.
Khi hệ quả từ cuộc chiến tại Ukraine gây ra cú sốc kinh tế mới nhất cho Ai Cập, Cairo đã nhận được hàng tỷ USD tiền gửi và đầu tư từ các đồng minh vùng Vịnh bao gồm Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Mặc dù vậy, các khoản đầu tư mới từ các quốc gia vùng Vịnh dần trở nên thưa thớt hơn do họ tìm kiếm những địa điểm đầu tư mang lại lợi nhuận, trong khi Ai Cập chưa thể cho thấy những tiềm năng kinh tế của mình.
Vào tháng 12/2022, chính phủ cho biết họ đã bắt đầu đàm phán về gói tài chính mới nhất từ IMF, cuối cùng xác nhận khoản vay trị giá 3 tỷ USD liên quan đến các cải cách, bao gồm việc giảm dấu ấn của nhà nước và quân đội trong nền kinh tế.
Gánh nặng nợ quá lớn
Gánh nặng nợ của Ai Cập đang tăng lên, mặc dù các nhà phân tích có những quan điểm tương đối khác biệt về mức độ rủi ro mà điều này gây ra.
Chính phủ Ai Cập dự báo rằng vào cuối năm tài chính vào tháng 6, nợ công sẽ ở mức 93% GDP, trong khi mục tiêu của quốc gia là giảm nợ công xuống mức 75% vào năm 2026.
Gánh nặng nợ nần chồng chất, lãi suất tăng và giá trị đồng tiền giảm đã làm tăng chi phí trả nợ. Các khoản thanh toán lãi cho nợ được dự báo sẽ "nuốt chửng" hơn 45% tổng doanh thu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2023.
Các khoản thanh toán gốc và lãi đáng kể đối với nợ nước ngoài cũng góp phần tạo ra khoảng cách chênh lệch giữa cung và cầu đối với tài trợ bằng ngoại tệ. Chỉ tính riêng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ai Cập phải trả riêng cho IMF 11,4 tỷ USD trong 3 năm tới.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.