ATV Việt Nam: Nhà thầu nổi danh, doanh thu tăng mạnh nhưng lãi nhỏ nhoi

Minh Đức - 03/11/2024 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Việc trúng nhiều gói thầu có quy mô lớn giúp Công ty cổ phần Phát triển công nghệ bờ dốc ATV Việt Nam ghi nhận doanh thu đều đặn hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng mức lãi sau thuế của doanh nghiệp này lại khá nhỏ nhoi.

Đôi nét về ATV Việt Nam

Theo giới thiệu, Công ty cổ phần Phát triển công nghệ bờ dốc ATV Việt Nam (ATV Việt Nam) được thành lập từ năm 2005 với ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn thiết kế, cung cấp vật tư và thi công xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình giao thông, thuỷ lợi có quy mô vừa và lớn.

Thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là Trần Thanh Việt, chức vụ Tổng giám đốc công ty.

Chặng đường phát triển của Công ty ATV Việt Nam có hai cột mốc đáng chú ý, đó là ngày 30/11/2016, công ty tiến hành chuyển đổi cơ cấu thành viên HĐQT và lấy tên là Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng ATV Việt Nam.

Đến tháng 11/2020, ATV Việt Nam chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển công nghệ bảo vệ bờ dốc ATV Việt Nam. Đồng thời xác định mục tiêu tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh chủ đạo là tư vấn thiết kế và cung cấp giải pháp, cung cấp vật tư trong và ngoài nước; thi công hoàn thiện công tác phòng chống sạt trượt và bảo vệ mái dốc cho các công trình giao thông, thủy điện và hạ tầng kỹ thuật.

Hình ảnh thi công tại một công trường của ATV Việt Nam

Nhà thầu "nổi danh" gia cố mái taluy các tuyến cao tốc

Thời điểm sau đại dịch (năm 2022), ngành xây dựng gặp phải nhiều khó khăn do biến động giá vật liệu, nhiên liệu tăng cao khó lường, việc điều chỉnh các Luật quản lý liên quan,… nhưng ATV Việt Nam vẫn duy trì đà ổn định tăng trưởng và đã có những dấu ấn đáng nhớ như hoàn thành nhiều công trình: Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; Công trình xử lý các điểm sạt lở QL18C TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Công trình gói thầu số 9 - Dự án xử lý sạt trượt tỉnh lộ 155, tỉnh Lào Cai; Công trình gia cố cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, ATV Việt Nam cũng trúng thầu và ký mới hàng loạt các hợp đồng thi công có giá trị hàng chục tỷ đồng. Đơn cử, “một mình một ngựa” trúng Gói thầu số 22 Thi công xây dựng công trình sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Trạm Tấu (Yên Bái) - Bắc Yên (Sơn La), huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái (Hạng mục xử lý sụt, trượt nền đường đoạn từ Km15 đến Km 15+800) với giá trúng thầu hơn 39,38 tỷ đồng, giá dự toán hơn 39,59 tỷ đồng.

ATV Việt Nam cùng liên danh trúng gói thầu trị giá gần 50 tỷ đồng

Tiếp đó, trong vai trò liên danh phụ, ATV Việt Nam cùng Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm trúng Gói thầu XL08 Thi công hạng mục gia cố mái dốc, dự án xây dựng đường nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Giá trúng thầu hơn 49,56 tỷ đồng, giá gói thầu hơn 49,85 tỷ đồng.

Trong vai trò liên danh chính, Liên danh ATV Việt Nam – Công ty cổ phần sản xuất đầu tư xây dựng Hưng Việt trúng Gói thầu GCKE-GĐ1 dự án hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) khu dân cư số 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với giá trúng thầu hơn 36,75 tỷ đồng, giá dự toán hơn 36,78 tỷ đồng.

ATV Việt Nam với vai trò là nhà thầu phụ đặc biệt trúng gói thầu hơn 200 tỷ đồng

Trước năm 2022, ATV Việt Nam cũng trúng nhiều gói thầu có giá trị hàng chục tỷ đồng trong vai trò liên danh. Đơn cử, Liên danh ATV Việt Nam – Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức Tuấn trúng Gói thầu Gói thầu số 9 Thi công xây dựng công trình Xử lý sạt trượt tỉnh lộ 155, đoạn từ Km12+600 – Km12+900 do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Lào Cai làm chủ đầu tư. Giá trúng thầu hơn 36,54 tỷ đồng; giá dự toán hơn 38,21 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong vai trò nhà thầu phụ đặc biệt, ATV Việt Nam cùng các nhà thầu Công ty cổ phần 208, Công ty TNHH Hiệp Phú và Công ty cổ phần ĐTSX&TM Việt Nam trúng Gói thầu RAP CP23 Nâng cấp, mở rộng QL2 đoạn Km284+600 - Km285+995, thuộc hạng mục đầu tư bổ sung từ nguồn vốn dư Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP). Giá trúng thầu hơn 188,38 tỷ đồng; giá gói thầu hơn 200,9 tỷ đồng.

Doanh thu trăm tỷ, lãi vài trăm triệu đồng

Việc trúng nhiều gói thầu lớn giúp ATV Việt Nam ghi nhận doanh thu lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đỉnh điểm là vào năm 2023 đạt gần 160 tỷ đồng.

Theo dữ liệu của VietnamFinance, năm 2020 doanh thu của ATV Việt Nam ghi nhận hơn 47,15 tỷ đồng. Sang năm 2021 doanh thu của công ty bất ngờ tụt dốc về mức hơn 24,46 tỷ đồng (giảm hơn 48% so với năm trước đó), đây cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ.

Kể từ giai đoạn 2022 – 2023, doanh thu của ATV Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, doanh thu năm 2022 của công ty đạt hơn 97,71 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2021. Bước sang năm 2023, doanh thu của công ty ghi nhận hơn 159,44 tỷ đồng, tăng hơn 61,73 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 63,2% so với năm trước đó.

Trong giai đoạn 2020 - 2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ATV Việt Nam có nhiều thăng trầm. Cụ thể, năm 2020 công ty ghi nhận lợi nhuận thuần hơn 56 triệu đồng; năm 2021 giảm xuống còn hơn 51,77 triệu đồng. Sang năm 2022, lợi nhuận thuần của công ty tăng vọt lên hơn 431,15 triệu đồng và năm 2023 đạt hơn 678,57 triệu đồng.

Tình hình kinh doanh của ATV Việt Nam

Mặc dù ghi nhận doanh thu lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận sau thuế của ATV Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023 lại khá “èo uột”. Cụ thể, năm 2020 công ty báo lãi chỉ hơn 35,87 triệu đồng; năm 2021 là hơn 225,85 triệu đồng; tới năm 2022 là hơn 353,68 triệu đồng và đạt hơn 525,99 triệu đồng vào năm 2023.

Giai đoạn 2020 – 2023, tổng cộng tài sản của ATV Việt Nam biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2020 ghi nhận hơn 329,31 tỷ đồng; năm 2021 là hơn 358,02 tỷ đồng; năm 2022 tăng lên hơn 363,35 tỷ đồng và sụt giảm về mức hơn 349,30 tỷ đồng vào năm 2023.

Hàng tồn kho của ATV Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023 cũng có nhiều biến động. Năm 2020 ghi nhận hơn 21,19 tỷ đồng; năm 2021 là hơn 29,32 tỷ đồng; năm 2022 tăng lên hơn 32 tỷ đồng và năm 2023 giảm về mức 26,72 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2020 – 2023, ATV Việt Nam có nợ phải trả gia tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2020 công ty có nợ phải trả là hơn 29,48 tỷ đồng; năm 2021 tăng vọt lên 58,35 tỷ đồng. Sang năm 2022, con số này là hơn 63,33 tỷ đồng và năm 2023 ghi nhận hơn 48,76 tỷ đồng.

Tổng nợ vay của ATV Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023 ghi nhận con số tương ứng lần lượt là: 7,37 tỷ; 6,25 tỷ; 5,22 tỷ và 12,19 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của ATV Việt Nam giai đoạn 2020 – 2023 đi ngang quanh mức 300 tỷ đồng.

Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của ATV Việt Nam

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2020 – 2023, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của ATV Việt Nam chỉ vài chục triệu đồng, tương ứng lần lượt là: 612,6 nghìn đồng (năm 2020); 5,7 triệu đồng (năm 2021); hơn 12 triệu đồng (năm 2022) và năm 2023 là hơn 20,5 triệu đồng.

Trên bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ của ATV Việt Nam (năm 2023), lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 15,78 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 1,23 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 22,76 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái dương 2,1 tỷ đồng.

Phân làn khắc phục sự cố sạt trượt mái taluy trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Phân làn khắc phục sự cố sạt trượt mái taluy trên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Bất động sản
(VNF) - Nguyên nhân cao tốc Vân Đồn - Móng Cái bị sạt trượt khoảng 200m mái taluy là do yếu tố khách quan, không phải do kỹ thuật trong thi công, các giải pháp kỹ thuật trong thi công đường cao tốc đã được nhà thầu thực hiện chuẩn, theo đúng quy trình.
Cùng chuyên mục
Tin khác