Thị trường

Ban chỉ đạo 389 yêu cầu tăng cường truy thu thuế kinh doanh trên mạng

(VNF) - Ban chỉ đạo 389 quốc gia giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế.

Ban chỉ đạo 389 yêu cầu tăng cường truy thu thuế kinh doanh trên mạng

Ban chỉ đạo 389 yêu cầu tăng cường việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ký ban hành kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. 

Kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 quy định về mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đối với các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Được biết, thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 1/11/2020 đến ngày 31/10/2023.

Tại kế hoạch số 399/KH-BCĐ389, Ban chỉ đạo 389 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử.

Cùng với đó, tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;

Ban chỉ đạo 389 cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Thêm vào đó, tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, các website, mạng xã hội đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật nước Việt Nam; phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.

Triển khai cụ thể kế hoạch, Ban chỉ đạo 389 quốc gia giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực thương mại điện tử; kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử;...

Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, lực lượng công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng khác chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, chủ động phát hiện, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân.

Bộ Công an cũng được giao tổ chức đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, tập trung điều tra, kết luận, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, những vụ việc phức tạp, nổi cộm trong việc lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; tiếp nhận, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan chức năng khác chuyển đến.

Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Tài chính nhận nhiệm vụ chỉ đạo Tổng cục Hải quan có biện pháp phát hiện, kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các lực lượng chức năng, các công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… để cập nhật đầy đủ các thông tin của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử;

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử, có biện pháp truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh trên mạng mà không khai báo với cơ quan thuế; chủ động chia sẻ, cung cấp thông tin cho các cơ quan có liên quan khác đối với những tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử để cùng phối hợp xử lý kịp thời.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam…

Tin mới lên