Thị trường

Xây sàn thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

(VNF) - Ngày 30/6, tại TPHCM, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TPHCM tổ chức hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA.

Xây sàn thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

Chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào EU

Theo thông tin từ Thành ủy TP.HCM, để hỗ trợ DN tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Châu Âu, TP.HCM sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, chú trọng các điểm yếu mà DN cần khắc phục; hướng dẫn các nội dung cam kết, các quy định nêu trong hiệp định để các DN có thể khai thác và hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định.

TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để DN nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do Châu Âu quy định, xem trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào Châu Âu.

Ảnh minh họa

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, chính quyền thành phố cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế hơn nữa; tăng cường các biện pháp sở hữu trí tuệ; ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại những lợi ích cho thành phố khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, TP.HCM sẽ hình thành các chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa; nâng chất lượng hàng hóa xuất khẩu lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường.

Đại diện DN đề xuất cần nâng cao nhận thức của người nông dân về chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu để hỗ trợ DN xuất khẩu cập nhật những thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật. Cơ quan quản lý Nhà nước ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU, phản biện những quy định không hợp lý. Đồng thời, tạo các đầu cầu kết nối các đơn vị liên quan trong chuỗi cung ứng, từ nông dân đến nhà sản xuất, đến nhà nhập khẩu và các đơn vị trung gian kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường tính chính xác và nhanh chóng của thông tin để hỗ trợ cho DN và người nông dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với Hiệp định EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 18.000 tỷ USD.

Hiện nay, Bộ Công thương đang nghiên cứu xây dựng và báo cáo Thủ tướng về xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam và Liên minh Châu Âu nhằm tạo điều kiện cho các DN hai bên tham gia và tạo điều kiện tối đa thuận lợi hóa cho các DN nhỏ và vừa.

Sàn thương mại điện tử này bao gồm cả khu vực công, dịch vụ hành chính công, kể cả cấp C/O điện tử, cũng như các thủ tục hải quan thông quan, vấn đề logistics, các hoạt động về chứng thực điện tử, hóa đơn điện tử… để đảm bảo cho DN hoạt động tiếp cận được các dịch vụ hành chính công của cả hai bên. Đặc biệt, thông qua những công cụ xúc tiến thương mại và kết nối giao thương hai bên trên nền tảng số thì các DN nhỏ và vừa sẽ có điều kiện thực thi hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, cập nhật nắm bắt tình hình và các chính sách của Liên minh Châu Âu nhằm có hướng dẫn cụ thể để DN hai bên, nhất là DN Việt Nam, DN nhỏ và vừa làm đúng, làm kịp thời tất cả quy định của Liên minh Châu Âu trong các hoạt động về thương mại và các hoạt động có liên quan.

 

Tin mới lên