Tài chính quốc tế

Bàn về màn cải tổ lớn nhất lịch sử của Alibaba

(VNF) - Ngày 27/3, khi người sáng lập Alibaba, tỷ phú Jack Ma, lần đầu tiên xuất hiện trở lại tại Trung Quốc sau gần 2 năm ẩn dật ở nước ngoài, không ai đoán được chỉ 1 ngày sau, tập đoàn này sẽ công bố cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử 24 năm hoạt động.

Bàn về màn cải tổ lớn nhất lịch sử của Alibaba

Cuộc cải tổ lịch sử 

Ngày 28/3, phía Alibaba bất ngờ thông báo tập đoàn sẽ được chia thành 6 nhóm kinh doanh riêng biệt, mỗi nhóm sẽ có khả năng huy động vốn từ bên ngoài và niêm yết cổ phiếu, đánh dấu cuộc cải tổ quan trọng nhất trong lịch sử của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc. Tập đoàn cho biết việc tái cấu trúc nhằm “mở khoá” những giá trị mới, thúc đẩy khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể, đơn vị trí tuệ đám mây, quản lý các hoạt động trí tuệ nhân tạo và đám mây của tập đoàn, sẽ trực tiếp được Giám đốc điều hành của Alibaba Daniel Zhang dẫn dắt. Nhóm thương mại Taobao, Tmall bao gồm các nền tảng mua sắm trực tuyến của tập đoàn. Với nhóm dịch vụ địa phương, Yu Yongfu sẽ là giám đốc điều hành và doanh nghiệp sẽ bao gồm dịch vụ giao đồ ăn của Alibaba là Ele.me cũng như dịch vụ bản đồ. Với Cainiao Smart Logistics, Wan Lin sẽ tiếp tục là giám đốc điều hành của doanh nghiệp này, nơi cung cấp các dịch vụ hậu cần của Alibaba.

Với Tập đoàn thương mại kỹ thuật số toàn cầu, Jiang Fan sẽ giữ chức vụ giám đốc điều hành. Đơn vị này bao gồm các doanh nghiệp thương mại điện tử quốc tế của Alibaba bao gồm AliExpress và Lazada. Với nhóm Giải trí và Truyền thông kỹ thuật số, Fan Luyuan sẽ là giám đốc điều hành của đơn vị bao gồm hoạt động kinh doanh phim và phát trực tuyến của Alibaba. Ngoài Tập đoàn thương mại Taobao Tmall vẫn nằm trong thực thể được niêm yết, các đơn vị khác sẽ có thể tìm kiếm nguồn tài chính bên ngoài và theo đuổi các đợt IPO.

Tập đoàn Alibaba sẽ đóng vai trò là cổ đông kiểm soát của cả 6 công ty mới. Ban đầu, tập đoàn cho biết hội đồng quản trị của Alibaba cũng sẽ giữ quyền kiểm soát hội đồng quản trị của các công ty mới này, nhưng sau đó đã làm rõ rằng họ sẽ quyết định có giữ quyền kiểm soát các doanh nghiệp riêng lẻ sau khi chúng IPO hay không.

Nếu việc tái cấu trúc dẫn đến việc Alibaba mất quyền kiểm soát các đơn vị thành phần của mình thì đây có thể là động thái đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên internet Trung Quốc. Bởi lẽ, với tất cả nỗ lực và những thành tích “vô tiền khoáng hậu” của mình, Alibaba đã từng là “công thần” góp phần tạo ra thương mại điện tử Trung Quốc, một thị trường trị giá 1.500 tỷ USD ngày nay.

Tham vọng nảy sinh từ thế khó?

Alibaba đã nói rằng việc tái cấu trúc nhằm “mở khóa giá trị”, nhưng trong 2 tuần kể từ khi ra thông báo, tập đoàn gần như chưa có nhiều động thái thúc đẩy sự phát triển của các công ty mới, ngoại trừ những thông tin đồn thổi về việc đơn vị hậu cần Cainiao chuẩn bị được IPO. Cũng không có lời giải thích đích xác nào được đưa ra về màn “xé lẻ” lịch sử. Chỉ biết, động thái này được đưa ra sau một vài năm khó khăn đối với Alibaba, khi tập đoàn phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong nước và quy định chặt chẽ hơn từ Bắc Kinh, bằng chứng là kể từ khi cổ phiếu đạt đỉnh vào tháng 10/2020, vốn hóa công ty đã giảm khoảng 600 tỷ USD. Trong vài quý qua, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc cũng phải “vật lộn” để tìm cách tăng trưởng.

Tất nhiên, việc “chia để trị” rõ ràng mở ra nhiều cơ hội mới cho tập đoàn, giúp từng công ty con mới có khả năng “cắm rễ sâu hơn, xoè tán rộng hơn” trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, không ít người cũng tin rằng động thái này thực sự được thúc đẩy bởi mối đe dọa về hành động chống độc quyền tiếp theo của các cơ quan quản lý Trung Quốc, những người vào năm 2021 đã phạt công ty 2,6 tỷ USD vì vi phạm chống độc quyền.

Brian Tycangco, nhà phân tích thị trường chứng khoán châu Á tại công ty nghiên cứu đầu tư Stansberry Research của Mỹ, cho biết ngoài việc mở khóa giá trị của các đơn vị kinh doanh khác nhau, việc tái cơ cấu giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến những thay đổi quy định tiềm tàng đối với các lĩnh vực công nghệ cụ thể. Chẳng hạn, nếu Bắc Kinh đưa ra các quy định mới nhắm vào các dịch vụ giao đồ ăn dựa trên nền tảng, thì điều đó sẽ không cản trở việc định giá toàn bộ công ty và tâm lý nhà đầu tư, ông Brian cho biết. “Cơ sở cổ đông càng đa dạng thì càng có lợi cho các công ty, đặc biệt là trong mắt các cơ quan quản lý”, ông Brian nói thêm.

Mối liên hệ với Jack Ma

Mặc dù Jack Ma đã bắt đầu tách mình khỏi ban lãnh đạo của Alibaba vào năm 2013 và sau đó từ chức chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn vào năm 2019, nhưng nhiều người tin rằng vị tỷ phú này “chưa bao giờ thực sự rời đi”. Bởi lẽ, trước đây, do cấu trúc pháp lý phức tạp của Alibaba, ông Ma có rất nhiều ảnh hưởng đối với tập đoàn, bất kể vai trò điều hành hay số cổ phần ông sở hữu. Thậm chí, việc ông Ma trở lại Trung Quốc đại lục chỉ 1 ngày trước màn “xé lẻ” lịch sử cũng được đem ra bàn luận rất nhiều.

Duncan Clark, cựu nhân viên ngân hàng đầu tư Morgan Stanley và là tác giả cuốn sách “Alibaba: Ngôi nhà mà Jack Ma xây dựng”, nhận định: “Tôi chắc chắn rằng Jack Ma đã được tư vấn về việc tái cấu trúc vì hiệp hội đối tác của Alibaba vẫn tồn tại và ông ấy vẫn là một đối tác chính. Điều đó sẽ không xảy ra nếu không có sự đồng thuận của ông ấy, nhưng ông ấy chưa bao giờ là người tự mình điều khiển mọi thứ”.

Hiện tại, tập đoàn có 29 đối tác và 6 trong số họ, bao gồm cả ông Ma, là thành viên sáng lập của Alibaba. Chỉ có Jack Ma và cánh tay phải của ông, Joe Tsai, là đối tác liên tục, tức là những người có thể tiếp tục là đối tác của tập đoàn cho đến khi họ 70 tuổi. Các đối tác còn lại hầu hết được yêu cầu nghỉ hưu ở tuổi 60 hoặc khi chấm dứt việc làm. Số lượng đối tác không cố định và cơ chế bỏ phiếu là một người, một phiếu bầu, nhưng quyền lực cốt lõi được nắm giữ bởi một ủy ban hợp tác, hiện bao gồm ông Ma, Tsai, người thân tín với ông Ma là Lucy Peng, chủ tịch và giám đốc điều hành của Alibaba, Daniel Zhang và Jian Wang, cựu giám đốc công nghệ của Alibaba và người sáng lập bộ phận điện toán đám mây.

“Tôi không nghĩ Jack Ma sẽ dễ dàng quay lại nếu không có sự ủng hộ từ các cấp trên cao, bởi vì rất nhiều doanh nhân không muốn quay lại Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Họ không biết điều gì sẽ xảy ra”, ông Clark nói thêm về lần trở lại của tỷ phú Ma.

Vẫn là “kẻ tiên phong”

Giám đốc điều hành công ty tư vấn tài chính deVere cho biết: “Cuộc đại tu này là cuộc tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử 24 năm của Tập đoàn Alibaba. Điều này vô cùng quan trọng, không chỉ bởi vì tập đoàn này là một tổ chức có ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà bởi vì chúng tôi cũng kỳ vọng nó sẽ đại diện cho sự kết thúc của việc siết chặt các quy định do Bắc Kinh dẫn đầu đối với các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả công nghệ”.

Động thái của Alibaba được các nhà đầu tư chào đón nồng nhiệt. Cổ phiếu của tập đoàn đã tăng khoảng 20% sau thông báo. Các chuyên gia trong ngành thì cho rằng cuộc cải tổ doanh nghiệp của Alibaba có thể là tiền lệ cho một làn sóng tái cơ cấu tương tự trong ngành. Đặc biệt, nếu động thái của Alibaba thành công và các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận cao hơn, thì áp lực sẽ buộc các công ty khác phải làm điều tương tự.

Trong thông báo được đưa ra về việc “xé lẻ” tập đoàn, Alibaba nhấn mạnh rằng họ sẽ dần dần trở thành “nhà điều hành tài sản và vốn hơn là nhà điều hành kinh doanh”, đây là phần quan trọng nhất trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và sẽ có tác động lớn đến triển vọng của công ty trong dài hạn. Trong một bài viết được đăng tải trên trang Seeking Alpha, nhóm chuyên gia từ Asia Value & Moat Stock nhận định kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp của Alibaba sẽ là yếu tố gia tăng giá trị và khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
 

Tin mới lên