Báo cáo cập nhật Đánh giá Quốc gia 2021 (SCD) của Ngân hàng Thế giới

VNF - 19/05/2022 14:41 (GMT+7)

(VNF) - Bản báo cáo cập nhật Đánh giá Quốc gia (SCD) sẽ phân tích, dự đoán cách thức mà hai thách thức, một mang tính đương đại và một mang tính lịch sử, sẽ định hướng lại các ưu tiên phát triển của đất nước, và Việt Nam cần làm gì khác để đạt được khát vọng phát triển. Báo cáo là sản phẩm của đội ngũ chuyên gia Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia tư vấn ngoài ngân hàng. 

VNF
Lễ công bố báo cáo cập nhật Đánh giá Quốc gia (SCD)

Khát vọng phát triển của Việt Nam, trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, không thay đổi trong những năm gần đây, nhưng các con đường để đạt được vị thế đó thì đã thay đổi. Những thay đổi này được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam đang dần trở nên giàu có hơn, với khu vực tư nhân trong nước lớn mạnh hơn, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn, nhưng không may là trở nên ô nhiễm hơn và môi trường kém bền vững hơn. Về mặt xã hội, người dân Việt Nam hiện đang sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, có học thức hơn và sinh ít con hơn.

Với tốc độ tăng dần, từng chút một, các thể chế cũng đã phát triển theo hướng phụ thuộc nhiều hơn vào cơ chế thị trường, nhà nước pháp quyền, khả năng giám sát, phản biện thông qua vai trò mạnh mẽ hơn của các cơ quan lập pháp ở cấp quốc gia và địa phương, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân và việc phân cấp một số quy trình ra quyết định.

Những thay đổi về kinh tế, xã hội, nhân khẩu học và thể chế này đã được ghi nhận trong một số nghiên cứu gần đây, đặc biệt là Báo cáo Việt Nam 2035 (xuất bản năm 2016) do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện. Đối thoại chính sách sau báo cáo đó đã dẫn đến sự đồng thuận cao về những ưu tiên phát triển chính của Việt Nam trong thập kỷ tới.

Gần đây, sự đồng thuận này đã bị thách thức bởi hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, đại dịch Covid-19, cùng với các yếu tố làm quá trình toàn cầu hóa chậm lại và nhận thức tốt hơn về mức độ dễ bị tổn thương của Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài, đặc biệt là cú sốc khí hậu, đã tạo ra những dòng chảy ngầm với những thách thức đáng kể đối với mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam.

Thứ hai, những thách thức tồn đọng từ việc triển khai thực hiện không đồng đều trong suốt 35 năm qua đã khiến các thể chế của Việt Nam chưa sẵn sàng để giải quyết những thách thức phát triển phức tạp hơn, trong đó nhiều thách thức có tính chất phức hợp, xuyên suốt, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, và để hỗ trợ cho một xã hội có thu nhập cao hơn.

Bản báo cáo cập nhật Đánh giá Quốc gia (SCD) sẽ phân tích, dự đoán cách thức mà hai thách thức này, một mang tính đương đại và một mang tính lịch sử, sẽ định hướng lại các ưu tiên phát triển của đất nước, và Việt Nam cần làm gì khác để đạt được khát vọng phát triển. Báo cáo là sản phẩm của đội ngũ chuyên gia Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia tư vấn ngoài ngân hàng. 

Báo cáo SCD cập nhật có hai phần. Phần 1 xem xét tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế và chương trình nghị sự chính sách cơ bản. Phần 2 tập trung vào các thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Báo cáo SCD cập nhật kết thúc bằng phần thảo luận về việc Việt Nam nên chăng cần đẩy nhanh tốc độ cải cách thể chế để giải quyết những thách thức kép của cả Covid-19 và cơ chế triển khai thực hiện. 

Quý độc giả quan tâm có thể xem toàn văn Báo cáo PAPI 2021 tại đây.

Cùng chuyên mục
Tin khác