Báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng ở Việt Nam năm 2022

VNF - 02/05/2022 11:17 (GMT+7)

(VNF) - Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng ở Việt Nam năm 2022 với tựa đề “Từ Chặng đường cuối đến Chặng đường kế tiếp”. Báo cáo này đưa ra đánh giá về tiến độ giảm nghèo của Việt Nam trong một thập kỷ tính đến năm 2020 và xem xét những yếu tố cần có để duy trì sự dịch chuyển kinh tế theo hướng lên trên và đảm bảo an ninh kinh tế của hàng triệu người đã thoát nghèo.

VNF
Báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng ở Việt Nam năm 2022.

Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam là quốc gia năng động đang trong quá trình chuyển đổi. Các chỉ số cho thấy quốc gia đang đi đúng hướng, với nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế, xã hội. Việt Nam đã đạt được những tiến triển chưa từng có trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh.

Nhưng đồng thời, Việt Nam là quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp đang phải đối mặt với chặng đường đầy thách thức và bỡ ngỡ trong thời gian tới để đạt tới các ngưỡng của quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao trong bối cảnh nền kinh tế và khí hậu toàn cầu đang có nhiều thay đổi.

Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc và sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và là thị trường đầy hấp dẫn với thế giới bên ngoài. GDP bình quân đầu người (tính theo giá cố định bằng USD năm 2015) tăng từ 481 USD năm 1986 lên 2.655 USD vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng có tính chất bao trùm và sinh kế ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,20 Mỹ/ngày tính theo Ngang giá Sức mua năm 2011) của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5,0% vào năm 2020. Theo ước tính sơ bộ cho năm 2019, 5,7% người Việt Nam được phân loại là nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (TCTK).

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đáng kể, tình trạng nghèo vẫn là mối quan ngại hàng đầu của người dân. Theo một khảo sát cư dân, từ năm 2015 đến năm 2020, nghèo/đói được chọn là vấn đề chính cần được chính phủ giải quyết.

Khi được hỏi tại sao vấn đề nghèo là mối quan tâm chính, nhiều người tỏ ra lo ngại về khả năng tái nghèo, nhưng còn có nhiều người hơn cho rằng tình trạng nghèo là lực cản chung đối với nền kinh tế và làm giảm uy tín quốc gia (dựa trên số liệu của UNDP PAPI 2018).

Trong số những người cho rằng đói và nghèo là quan ngại hàng đầu, một nửa có thu nhập trên 8 triệu đồng mỗi tháng, qua đó cho thấy người dân vẫn quan ngại về khả năng được đảm bảo an ninh kinh tế, kể cả trong số những người có thu nhập khá. Sự lo ngại về tình trạng nghèo trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cao không phải là một điều gì mâu thuẫn; về tổng thể, nó thể hiện mức sống đang tăng lên tuyệt đối và có tính bao trùm, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân đang tìm cách được đảm bảo an ninh kinh tế và có khát vọng vươn lên.

Những thay đổi nhanh chóng do sự phát triển kinh tế khiến một số người bị tụt hậu, không có cơ hội tham gia vào các lĩnh vực năng động nhất của nền kinh tế, đồng thời tạo ra một bộ phận lớn người dân ở trong tình trạng không còn nghèo nhưng chưa phải là giàu. Khoảng 85% hộ gia đình cho biết điều kiện sống của họ vào năm 2020 tốt hơn so với năm 2016 (Khảo sát Mức sống Dân cư và Hộ gia đình).

Mặt khác, dữ liệu trong Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công Cấp Tỉnh (PAPI) của UNDP chỉ ra rằng 63% hộ gia đình cảm thấy điều kiện kinh tế của họ vào năm 2018 tốt hơn so với 5 năm trước. Như vậy, cảm nhận của hộ gia đình về sự chuyển biến trong điều kiện kinh tế có bi quan hơn một chút so với cảm nhận của họ về sự chuyển biến trong điều kiện sống; trong cả hai trường hợp, mức độ cải thiện được nhận định là ít chứ chưa phải là nhiều.

Quý độc giả quan tâm có thể xem toàn văn báo cáo Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng ở Việt Nam năm 2022 tại đây.

Cùng chuyên mục
Tin khác