Bất chấp loạt cấm vận, ngân hàng Nga sắp lập kỷ lục mới

Quang Đăng - 12/04/2024 16:42 (GMT+7)

(VNF) - Phát biểu tại một hội nghị được tổ chức giữa tuần qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Olga Polykova cho biết các ngân hàng Nga có thể ghi nhận đỉnh mới trong năm nay, cao hơn cả mức kỷ lục trong năm 2023.

Các ngân hàng Nga đã đạt mức lợi nhuận kỷ lục 3.300 tỷ ruble (tương đương 36,8 tỷ USD) vào năm ngoái, một kết quả gây ngạc nhiên cho cả Ngân hàng Trung ương nước này.

Các ngân hàng Nga đã đạt mức lợi nhuận kỷ lục 36,8 tỷ USD vào năm 2023.

Thu nhập này là một bước nhảy vọt so với lợi nhuận 200 tỷ ruble vào năm 2022 - khi lợi nhuận giảm 90% so với một năm trước đó trong bối cảnh Điện Kremlin phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây và bị gạt ra khỏi hệ thống SWIFT.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết kết quả hoạt động của ngành ngân hàng Nga năm 2023 được thúc đẩy bởi nhu cầu thế chấp cũng như các khoản vay để tài trợ cho các thương vụ mua lại doanh nghiệp lớn. Mặc dù lãi suất cơ bản tăng mạnh từ 7,5% lên 16%, nhưng hoạt động cho vay vẫn tăng.

Lợi nhuận kỷ lục cũng nhờ vào việc khôi phục thu nhập cơ bản, giảm đáng kể các chi phí liên quan đến dự trữ và định giá lại tiền tệ.

Hãng tin RT dẫn lời bà Polykova cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm nay sẽ ở mức năm 2023 hoặc cao hơn một chút”.

Điều này thể hiện sự gia tăng so với dự báo trước đó, vì vào tháng 3, cơ quan quản lý đã ước tính lợi nhuận năm 2024 của ngành này là từ 2,3-2,8 nghìn tỷ rúp (24,6 - 30 tỷ USD).

Áp lực trừng phạt chưa từng có

Ngành ngân hàng Nga phải chịu áp lực trừng phạt chưa từng có vào năm 2022, sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hầu hết các ngân hàng Nga đã bị cắt khỏi hệ thống tài chính phương Tây. Các tổ chức tài chính quan trọng đã bị cấm sử dụng cơ chế thanh toán SWIFT.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nga đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình huống này. Các nước phương Tây ban đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow vào năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea dẫn đến việc khu vực này gia nhập Nga.

Vào thời điểm đó, lĩnh vực tài chính là mục tiêu bị trừng phạt. Các ngân hàng lớn bị hạn chế tiếp cận thị trường vốn và nợ phương Tây.

Đáp lại, ngân hàng trung ương bắt đầu tăng cường chủ quyền tài chính của đất nước bằng cách phát triển hệ thống thanh toán của riêng mình.

Cơ quan quản lý cũng bắt buộc các hệ thống thanh toán phương Tây như Visa và MasterCard phải chuyển việc xử lý giao dịch thẻ ở Nga sang hệ thống thanh toán quốc gia mới được thành lập. Các biện pháp này đã giúp tránh sự sụp đổ trong thanh toán khi các ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống thanh toán thẻ Visa và MasterCard vào năm 2022.

Vào năm 2022, ngân hàng trung ương đã cung cấp cho ngành ngân hàng Nga gói cứu trợ pháp lý chưa từng có, điều này cũng giúp họ chống chọi với cú sốc. Vào thời điểm đó, các ngân hàng dành đủ dự trữ tài chính và khi nền kinh tế đất nước điều chỉnh theo các biện pháp trừng phạt, các ngân hàng có thể bắt đầu tăng lợi nhuận.

Tỷ lệ nợ xấu (NLP) vẫn ở mức thấp ở Nga, đặc biệt là cho vay thế chấp. Theo ước tính gần đây, tỷ lệ nợ xấu đứng ở mức 0,5% trong phân khúc thế chấp vào năm 2023.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hồi tuần trước đề nghị rằng cổ tức của ngân hàng có thể được sử dụng như một phương tiện để phân phối lại lợi nhuận tăng vọt của người cho vay vào ngân sách liên bang. Thủ tướng đề xuất ý tưởng này để đáp lại việc các nhà lập pháp đề xuất áp dụng thuế lợi nhuận vượt mức.

Xem thêm >> Nga tịch thu 265.000ha đất nông nghiệp của công ty liên quan quốc gia 'không thân thiện'

Theo RT, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác