Bay cao 80% so với nền giá gần nhất, điều gì khiến HVN vượt đỉnh 1 năm?
Hoàng Anh -
10/05/2024 09:39 (GMT+7)
(VNF) - Đà tăng của cổ phiếu HVN diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không được dự báo vẫn còn nhiều động lực để “cất cánh” và mức tăng "chóng mặt" của giá vé máy bay.
Trong phiên giao dịch 9/5, thị trường chứng khoán tiếp tục thể hiện xu hướng giằng co khi áp sát ngưỡng cản tâm lý. Theo đó, chỉ số VN-Index biến động quanh mốc 1.250 điểm với biên độ +/- 3 điểm, thanh khoản nhỉnh hơn so với phiên giao dịch hôm qua khi chạm ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch này, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục “thăng hoa” khi chạm trần với 6,5 triệu cổ phiếu được sang tay. Mặc dù không thể giữ sắc tím tới cuối phiên nhưng sự bùng nổ của cổ phiếu vẫn "đủ sức" đưa vốn hóa của Vietnam Airlines vượt 43.600 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Đà tăng của cổ phiếu HVN diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không được dự báo vẫn còn nhiều động lực để “cất cánh”. Song song với đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá vé máy bay tiếp tục neo cao trong thời gian tới.
Ngành hàng không còn nhiều động lực để “cất cánh”
Nhận định về triển vọng ngành hàng không trong năm 2024, Chứng khoán Yuanta cho rằng, thời kỳ khó khăn nhất của ngành đã qua đi bởi giá dầu được kỳ vọng duy trì ổn định trong năm 2024.
Ước tính, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25 - 28% chi phí khai thác của các hãng hàng không. Với việc giá dầu duy trì quanh mức 90 USD/thùng, hãng chứng khoán này nhận định, biên lợi nhuận của ngành sẽ không phải chịu quá nhiều áp lực trong năm nay.
Một yếu tố khác giúp các hãng hàng không duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 là sự hồi phục nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hoá.
Trong năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 3,4 lần so với năm 2022, bằng 70% mức trước dịch Covid. Bước sang quý I, lượng khách du lịch đến Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, đạt 4 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ. Cùng với đó, xu hướng du lịch bằng đường hàng không cũng tăng hơn so với trước dịch khi tỷ lệ di chuyển bằng đường không ở mức 87 - 89% năm 2022- 2023, cao hơn hẳn mức 80% của năm 2019.
Chưa kể, chính sách thị thực mới có hiệu lực từ tháng 9/2023 tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng du lịch trong năm 2024. Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế theo tháng đã tăng đáng kể từ tháng 10/2023, sau khi chính sách miễn thị thực cho 25 nước kéo dài từ 15 lên 45 ngày chính thức có hiệu lực.
Ngoài ra, sản lượng vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không trong năm 2023 giảm 9,3% so với 2022, bằng 87,3% năm trước dịch. Chứng khoán Yuanta kỳ vọng, sản lượng vận chuyển hàng hóa sẽ được cải thiện tốt hơn trong năm 2024 khi nhu cầu hồi phục theo sự phục hồi chung của các nền kinh tế lớn.
Cuối cùng, dự án sân bay Long Thành dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026 được xem là triển vọng dài hạn giúp các hãng hàng không hưởng lợi. Với tổng công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, sân bay Long Thành có thể nhận 80% chuyến bay quốc tế và 12% chuyến bay nội địa từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Không chỉ giúp cải thiện tình trạng quá tải tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành còn được đánh giá là mang lại lợi ích cho các hãng hàng không trong dài hạn.
Hưởng lợi giá vé tăng cao, HVN báo lãi đột biến
Bên cạnh những tiềm năng tăng trưởng của ngành, việc giá vé “nhảy vọt” trong giai đoạn vừa qua được xem là "nguồn nhiên liệu" chính giúp cổ phiếu HVN “bay cao” khoảng 80% so với nền giá gần nhất sau 5 tháng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông của các hãng hàng không đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, mức dao động từ 11-49,6%. Tuy nhiên, giá vé trung bình hiện vẫn chỉ đạt từ 38,1-77,6% so với mức giá tối đa theo quy định.
Cục Hàng không nhận định, giá vé máy bay nội địa tăng nằm trong xu hướng chung của thế giới do chịu tác động bởi các yếu tố: Giá nhiên liệu tăng cao; Chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ; Số lượng tàu bay suy giảm; Giá thuê động cơ và phụ tùng tàu bay; Tình hình cung - cầu của thị trường hàng không nội địa.
Việc giá vé máy bay tăng mạnh đã tạo điều kiện giúp các hãng hàng không bù đắp các chi phí đầu vào, qua đó cải thiện kết quả kinh doanh cũng như ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm.
Thực tế, Vietnam Airlines bất ngờ lãi khủng trong quý I, qua đó chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp. Trong 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất của hãng bay này đạt gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần gần 28.000 tỷ đồng và lãi gộp gần 4.100 tỷ đồng, tăng tương ứng 19% và 108% so với cùng kỳ và là quý có lãi gộp cao nhất từ trước đến nay. Biên lãi gộp theo đó cao gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 14,6%.
Bên cạnh đó, việc Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp hãng bay ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng.
Nhờ vậy, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Vietnam Airlines đạt hơn 4.441 tỷ đồng. Mức lãi lớn nhất lịch sử này đã chính thức chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp của hãng hàng không quốc gia. Quý I năm ngoái, Vietnam Airlines chỉ lãi trước thuế 19 tỷ đồng và lỗ sau thuế 37 tỷ đồng.
Hiện nay, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đồng thời báo cáo cổ đông, cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đề án này, trong năm 2024-2025, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Về dài hạn, với những dư địa trên, cổ phiếu HVN được đánh giá là hoàn toàn “sáng cửa” trở lại vùng đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, xét trên góc độ phân tích kỹ thuật, mã này hiện đang ở trạng thái quá mua khi chỉ báo RSI giao động quanh 77 - 80 điểm.
Vì vậy, để có thể chinh phục lại những vùng đỉnh 35.000 đồng (năm 2019) hay 46.000 đồng (năm 2018), cổ phiếu HVN có thể đối diện với những nhịp điều chỉnh lành mạnh để thu hút sự tham gia của dòng tiền thông minh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone