Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Sập bẫy, mất tiền trong nháy mắt
Dù đã có nhiều cảnh báo về việc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn nhiều người sa bẫy “vay tiền online”.
Mới đây, Công an xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị T. (SN 1994, ở huyện Thanh Oai) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. Theo đơn, chị T. lên mạng truy cập vào app vay tiền và đăng ký vay 30 triệu đồng.
Để nhận được tiền, chị T. được nhân viên hướng dẫn phải đóng thêm tiền mới được giải ngân. Chị T. đã gửi gần 200 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không lấy được khoản vay. Tới lúc này, chị T. mới biết mình bị lừa.
Trước đó, chị T.N. (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) cũng có đơn trình báo cơ quan công an về việc vay tiền online của đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng. Chị N. đã chuyển gần 30 triệu đồng để đóng phí cho khoản vay nhưng không nhận được tiền.
Tương tự, ngày 9/6, Công an phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị H (41 tuổi). Theo chị H, do có nhu cầu vay tiền nên chị đã lên mạng Internet để tìm kiếm. Có 1 đối tượng đã liên hệ, hướng dẫn chị làm thủ tục vay 200 triệu đồng. Để nhận được tiền, chị H phải đóng phí mới được giải ngân. Chị H đã gửi 117 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không rút được khoản vay.
Một nạn nhân khác của chiêu lừa đảo “vay tiền online” là anh H (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Anh H cho hay, do cần tiền, anh đã tải ứng dụng vay tiền VPS CASH trên mạng. Làm theo những yêu cầu từ ứng dụng này, anh H vẫn không rút được tiền. Sau đó, có một người gọi điện cho anh H tự giới thiệu là nhân viên công ty cho vay tiền, nói đã nhận được yêu cầu vay 70 triệu đồng và yêu cầu anh H phải chuyển 35 triệu đồng để kích hoạt gói vay tiền.
Theo lời đối tượng, đây là tiền "ký quỹ", "bảo lãnh" cho số tiền 70 triệu đồng mà anh H. đang muốn vay. Khi nào không có nhu cầu vay, khách hàng sẽ được khấu trừ hoặc nếu muốn, kích hoạt xong tài khoản phía công ty sẽ gửi trả lại số tiền trên. Anh H đã chuyển 35 triệu đồng vẫn không rút được khoản tiền đăng ký vay.
Cảnh giác mạo danh nhân viên ngân hàng mời vay vốn
Nhiều người dân cho hay, do cả tin cộng với việc vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, nên khi nghe những lời quảng cáo "có cánh" của các đối tượng nên nhất thời họ mất lý trí mà làm theo, dẫn đến bị mất tiền.
Trước thực trạng nhiều người bị sập bẫy “vay tiền online”, rất nhiều ngân hàng như Techcombank, MBBank, VPBank, BacABank, BIDV… đã đưa ra các khuyến cáo cho khách hàng.
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là các đối tượng lợi dụng uy tín của những ngân hàng, công ty tài chính, lập ra các app, website mạo danh với tên gọi, nội dung "na ná" nhau để dễ bề lập lờ "đánh lận con đen", lừa đảo. Kẻ gian sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) mời chào, quảng cáo vay vốn với nhiều ưu đãi như thủ tục đơn giản, nhanh chóng, không cần tài sản đảm bảo, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp,… để tiếp cận các nạn nhân. Tiếp theo, chúng sẽ gửi đường link kết nối CH Play, App Store… yêu cầu “con mồi” đặt ứng dụng vay vốn online vào điện thoại hoặc gửi các đường link vào website cho vay để làm thủ tục đăng ký vay tiền.
Sau khi đã lấy được thông tin của khách hàng, chúng sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho nạn nhân để chứng minh họ đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Dù số tiền giải ngân đã được thể hiện trên app nhưng người vay không thể chuyển, rút được và bị khóa app, vì do lỗi “sai cú pháp”, “quá hạn mức”, “sai số tài khoản ngân hàng”...
Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được; hoặc yêu cầu người bị hại nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên, kèm tiền phí và bảo hiểm vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp.
Chưa dừng lại, sau khi nhận được tiền phí, kẻ gian tiếp tục dọa hồ sơ vay của đang có vấn đề, hệ thống ghi nhận nợ xấu cần đóng tiền để xóa nợ xấu. Nếu khách hàng không đồng ý nộp tiền xử lý khoản vay thì không những không được nhận tiền vay mà còn bị tính là phát sinh dư nợ ngân hàng, đồng nghĩa với việc phải thanh toán cả gốc và lãi của khoản vay. Nhiều người tưởng thật nên đã đóng tiền cho bọn chúng. Nhưng sau khi nhận được tiền, chúng sẽ chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.
Theo các ngân hàng, khi cấp vốn vay cho khách hàng, các nhà băng thường có quy trình rõ ràng và chặt chẽ khi xét duyệt và giải ngân khoản vay. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng nạp tiền/chuyển khoản/ đưa tiền mặt hay thu phí mở hồ sơ vay vốn cho bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên ngân hàng.
Khách hàng cần cảnh giác với điện thoại, tin nhắn, email xưng danh nhân viên ngân hàng tiếp thị và hướng dẫn vay vốn không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thu phí mở thẻ, vay vốn. Tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân. Khách hàng cũng không nên truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email. Tuyệt đối không nạp tiền, chuyển tiền cho người lạ với nội dung để mở thẻ tín dụng, vay vốn ngân hàng hoặc có các dấu hiệu nghi ngờ khác.
Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Cần xác minh thông tin gọi đến bằng cách gọi đến số tổng đài của các tổ chức tín dụng.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.