Những thủ đoạn lừa đảo mới chiếm tài khoản ngân hàng, rút sạch tiền

Tuấn Dũng - 08/08/2022 11:28 (GMT+7)

(VNF) - Các ngân hàng liên tiếp phát đi những cảnh báo về những thủ đoạn mới mà kẻ gian áp dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

VNF
Ngân hàng khuyến cáo người dùng cảnh giác, bả mật tối đa thông tin tài khoản của mình. (Ảnh: Phạm Hải)

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa phát đi cảnh báo về một chiêu thức giả mạo ngân hàng được dàn dựng một cách tinh vi.

Theo đó, các đối tượng gửi email sao kê giả mạo với nội dung thông báo khách hàng đang có dư nợ thẻ tín dụng cần thanh toán, rồi gọi điện cho khách hàng và xưng là nhân viên ngân hàng để “hướng dẫn” và thúc ép khách hàng thanh toán dư nợ.

Bên cạnh đó, VPBank còn cho biết gần đây, xuất hiện nhóm người lạ mở tài khoản ngân hàng với tên rất giống tài khoản đã có (của khách hàng nào đó) rồi dùng tên và hình ảnh của khách hàng đó lập tài khoản Zalo để vay mượn tiền.

Do thấy thông tin, hình ảnh cá nhân, tài khoản trùng khớp nên bạn bè, người thân của người đó đã chuyển tiền cho kẻ mạo danh. Hình thức này tinh vi hơn so với thủ đoạn đánh cắp tài khoản Facebook của khách hàng rồi mượn tiền người thân kết bạn qua Facebook.

Đáng lo hơn, kẻ gian còn tạo ra một ứng dụng tương tự như ứng dụng gốc của các ngân hàng và đăng trên Cửa hàng Google Play. Khi khách hàng vô tình tải xuống và cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại di động thì ứng dụng sẽ bắt đầu gửi dữ liệu nhạy cảm để cho phép kẻ lừa đảo rút tiền từ tài khoản của khách hàng.

Kẻ lừa đảo còn mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động để giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.

Trong khi đó, chiêu thức mạo danh ngân hàng, cảnh sát, bưu điện… để lừa tiền vẫn nợ rộ.

Theo đó, những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh các đơn vị cung cấp dịch vụ liên lạc với các chủ thuê bao điện thoại, thông báo họ có bưu phẩm liên quan đến tài khoản thẻ ngân hàng bị nợ quá hạn, giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến... Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đối tượng thông báo nạn nhân không đủ điều kiện vay vốn do có nợ xấu, yêu cầu đóng trước một khoản tiền để xóa nợ xấu. Nhưng khi nhận tiền, kẻ gian sẽ trốn mất.

Có trường hợp kẻ gian chào mời hỗ trợ người dân rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin thẻ. Khi nạn nhân cung cấp mã số hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…

Kẻ gian cũng giả danh cảnh sát gọi điện thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án nghiêm trọng. Các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của họ để làm cơ sở điều tra, hứa hẹn sẽ hoàn trả nếu nguồn gốc khoản tiền không có vấn đề; hoặc kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin bảo mật qua đường link do các đối tượng này cung cấp, rồi chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Những kẻ lừa đảo cũng có thể giả làm nhân viên mạng viễn thông gọi điện thoại hoặc nhắn tin đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi SIM 4G/5G miễn phí để chiếm đoạt số điện thoại. Sau đó, các đối tượng chiếm đoạt tiền trong ví điện tử, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử của chủ SIM.

Bên cạnh đó, với chiêu thức chuyển khoản nhầm, khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng của mình với nội dung cho vay, rồi đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu chủ tài khoản chuyển trả lại tiền.Một thời gian sau, chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền chủ tài khoản nhận được tiền cùng với tiền lãi vay.

Đối tượng có thể giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng và hướng dẫn thủ tục hoàn trả, sau đó gửi đường link yêu cầu khách hàng điền thông tin cá nhân rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Các ngân hàng khuyến cáo người dùng cần cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web, hoặc đòi đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân. Không cung cấp thông tin cá nhân (như: số CMND, CCCD, hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử...) cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…

Khi nhận được yêu cầu chuyền tiền từ người thân hay bạn bè, cần có phương pháp xác thực đáng tin và chính xác để khẳng định chính người đó đang cần vay, mượn.

Ngoài ra, cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, các ví điện tử.

Cùng chuyên mục
Tin khác