Bê bối an toàn thực phẩm 'rúng động': Dầu ăn chở bằng xe bồn bẩn, lẫn hóa chất
(VNF) - Một thập kỷ sau vụ chính quyền Trung Quốc "chỉnh đốn" các nhà hàng tái sử dụng dầu thải, quốc gia này lại đối mặt với một bê bối an toàn thực phẩm (ATTP) khác, liên quan tới việc sử dụng xe bồn chở lẫn hóa chất và thực phẩm để vận chuyển dầu ăn.
Tiết lộ "bí mật mở" trong ngành vận chuyển
Tờ Beijing News gần đây đã tiến hành một cuộc điều tra về những bất thường trong các xe tải chở dầu, phát hiện ra một vấn đề đáng lo ngại về việc sử dụng xe bồn để chở cả dầu ăn và dầu hóa học.
Kết quả điều tra được Beijing News công bố ngày 2/7 cho thấy một số xe tải chở dầu chuyên vận chuyển chất lỏng tiêu hao như xi-rô và dầu đậu nành cũng được sử dụng để chở các chất hóa học như dầu gốc than.
Để cắt giảm chi phí, một số xe thậm chí không làm sạch thùng chứa giữa các lần vận chuyển khác nhau, dẫn đến tình trạng dầu ăn có thể bị nhiễm các hóa chất còn sót lại từ những lần chở trước. Sự việc này đã gây phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc.
Tác giả của báo cáo, Han Futao, cho biết có trường hợp một chiếc xe bồn ở tỉnh Hà Bắc giao hóa chất ở Tần Hoàng Đảo trước khi lao đến Tam Hà vài ngày sau đó để đổ đầy dầu đậu nành.
Một số tài xế cũng cho biết đây là một biện pháp tiết kiệm chi phí phổ biến được các công ty có hàng nghìn xe tải sử dụng - một "bí mật mở" trong ngành.
Các tài xế xe tải cho biết trong một số mùa, tài xế sẽ vận chuyển nước thải công nghiệp trước khi vận chuyển dầu ăn. Những hóa chất này không được phân loại là dễ cháy hoặc nguy hiểm, nếu không luật pháp Trung Quốc sẽ quy định chúng phải được vận chuyển trong các xe đặc biệt.
Sự cố đã trở thành chủ đề thịnh hành trên Weibo và nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã kêu gọi thu hồi các loại dầu ăn có vấn đề, đồng thời yêu cầu điều tra kỹ lưỡng và trừng phạt nghiêm khắc những người chịu trách nhiệm.
Chuyên gia truyền thông Trung Quốc Hu Xijin đã viết trên Weibo rằng cơ quan quản lý nên can thiệp vào cuộc điều tra để xác định phạm vi và mức độ gây hại, đồng thời công khai kết quả điều tra để cung cấp cho công chúng một lời giải thích hợp lý.
Cơ quan quản lý vào cuộc
Cuộc điều tra của Beijing News được cho là liên quan đến Tập đoàn Hope Full Grain & Oil và Sinograin Oils & Fats (Tianjin). Hai doanh nghiệp này là trung gian trong ngành dầu ăn, tham gia sản xuất và chế biến, và nhiều khách hàng hạ nguồn của họ được cho là đang kinh doanh chuỗi cung ứng dịch vụ ăn uống.
Các báo cáo chỉ ra rằng, xe bồn sau khi dỡ dầu gốc than đã nạp dầu đậu nành tại cơ sở sản xuất của hai doanh nghiệp này mà không làm sạch bể chứa.
Sau khi báo cáo của Beijing News được đưa ra, Sinograin tuyên bố sẽ kiểm tra toàn diện các công cụ vận chuyển ngũ cốc và dầu, đồng thời tuyên bố rằng mọi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm túc. Hope Full khẳng định các xe bồn liên quan không thuộc sở hữu của công ty và lượng dầu lớn do doanh nghiệp bán ra đều do khách hàng tự nhận.
Mặc dù vậy, những lời giải thích của các công ty này dường như không xoa dịu được công chúng cũng như truyền thông. Đài CCTV sau đó vẫn tiếp tục theo sát vụ việc mà họ cho là "tương đương với việc đầu độc", đồng thời khẳng định việc ngay cả một thương hiệu lớn cũng có lỗ hổng trong việc trộn dầu hóa học với dầu ăn, điều này rõ ràng vượt quá khả năng hiểu biết của hầu hết mọi người.
Ngày 9/7, Ủy ban an toàn thực phẩm Trung Quốc cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt với cơ quan lập kế hoạch nhà nước là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Cục Quản lý Lương thực và Dự trữ Nhà nước và các bộ khác để thảo luận và điều tra các cáo buộc liên quan tới vụ việc, theo CCTV.
"Các doanh nghiệp bất hợp pháp và những người có trách nhiệm liên quan sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật và sẽ không được dung thứ", CCTV đưa tin.
Kể từ sau vụ bê bối hàng chục năm trước liên quan tới việc các nhà hàng sử dụng lại dầu thải, dầu đã qua sử dụng khiến Bắc Kinh phải ra tay chấn chỉnh, đây là "scandal" lớn nhất liên quan tới an toàn thực phẩm tại quốc gia tỷ dân.
Các sản phẩm thực phẩm của Trung Quốc đã bị giám sát chặt chẽ trong nước và trên toàn cầu sau một loạt vụ bê bối, đặc biệt là vụ bê bối sữa gây chết người năm 2008 khi phát hiện sữa bột trẻ em có chứa hóa chất công nghiệp melamine.
Bắc Kinh đã tìm cách tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và đảm bảo với các nhà nhập khẩu rằng sản phẩm của nước này an toàn, trong khi một số người tiêu dùng Trung Quốc đã chuyển sang các thương hiệu nước ngoài được coi là có uy tín hơn.
Ứng dụng AI tạo sinh: Trung Quốc ‘đi trước đáng kể’ với phần còn lại của thế giới
- Trung Quốc 'trả đũa' châu Âu: Nhắm tới rượu mạnh, nông sản, hàng không 09/07/2024 10:29
- Trung Quốc trên đà thống trị thị trường chip cũ, Mỹ chỉ có thể ‘tự trách mình’ 08/07/2024 10:12
- EU ‘xuống tay’ với xe điện, Trung Quốc lập tức phản ứng 05/07/2024 03:02
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone