Bị Khánh Hòa đòi 12.000 tỷ: Tập đoàn Phúc Sơn đang làm ăn ra sao?

Tấn An - 05/10/2022 08:32 (GMT+7)

(VNF) - Giai đoạn 2017 - 2021, lợi nhuận của Tập đoàn Phúc Sơn ở mức “siêu mỏng”, thậm chí còn âm trong suốt 2 năm liên tiếp gần đây.

VNF
Dự án nút giao thông Ngọc Hội là 1 trong 3 dự án BT được tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư.

Như trước đó VietnamFinance thông tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc xử lý kiến nghị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) liên quan đến chủ trương truy thu 12.000 tỷ đồng dự án BT của tập đoàn này ở TP. Nha Trang.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa nhận thấy kiến nghị của Tập đoàn Phúc Sơn là nội dung đang xử lý, khắc phục liên quan đến thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (tại khu sân bay Nha Trang cũ) theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chuyển nội dung này đến Tổ công tác số 52 trong đó có Thanh tra tỉnh và Cục Thuế tỉnh để tiếp tục theo dõi, tham mưu xử lý để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Liên quan đến việc khắc phục, xử lý, tháo gỡ vướng mắc sau kết luận của các cơ quan trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 2 tổ công tác.

Tổ công tác số 52 nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tổ công tác số 2011 được lập ra xử lý, tháo gỡ vướng mắc sau kết luận của Thanh tra Chính phủ. 

Việc nộp bổ sung ngân sách nhà nước số tiền gần 12.000 tỷ đồng dựa trên số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nên trách nhiệm xử lý, tham mưu các vấn đề liên quan thuộc về Tổ công tác số 52 trong đó có cơ quan thuế tỉnh.

Về bức tranh tài chính, doanh thu thuần của Tập đoàn Phúc Sơn giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 giảm mạnh từ 468,27 tỷ đồng xuống còn 77,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lợi nhuận của Tập đoàn Phúc Sơn trong giai đoạn này ở mức “siêu mỏng”, thậm chí còn âm trong suốt 2 năm liên tiếp gần đây.

Cụ thể, 2017 là năm tập đoàn có lợi nhuận sau thuế ở mức tỷ đồng khi đạt 37,6 tỷ. Bước sang năm 2018 và 2019, lợi nhuận sau thuế lần lượt chỉ 200 triệu đồng và 80 triệu đồng. Đáng chú ý, 2 năm gần đây là 2020 và 2021, lợi nhuận thuần tập đoàn âm lần lượt 17 tỷ đồng và gần 18 tỷ đồng.

Tập đoàn Phúc Sơn đã có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và đến năm 2021 tiếp tục tăng lên 1.930 tỷ đồng. Trái ngược với kết quả kinh doanh sa sút, quy mô tài sản của Tập đoàn Phúc Sơn lại giữ ở mức cao và tăng rất nhanh trong giai đoạn 2017-2021, từ 2.785 tỷ đồng lên 7.587 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2021 là 1.896 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác