Bí thư tỉnh Bến Tre: Làm thế nào để ĐBSCL hướng ra biển, làm giàu lên từ biển?

Đức Thọ - 02/02/2021 10:24 (GMT+7)

(VNF) - “Phát triển kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo được xem là chiến lược biến “nguy cơ, thách thức” của biến đổi khí hậu (BĐKH) thành cơ hội phát triển bền vững. Khai thác kinh tế biển sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thật sự hướng ra biển và giàu lên từ biển”, ông Phan Văn Mãi, Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre nhận định.

VNF
Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Theo ông Phan Văn Mãi, ĐBSCL có vị trí địa - kinh tế, địa - chiến lược quan trọng; với diện tích gần 4 triệu héc-ta, dân số 17,5 triệu người, hơn 700km bờ biển và trên 360 ngàn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế.

Đây còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; xuất khẩu 95% lượng gạo và 60% lượng cá của cả nước... Vì thế, ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Đồng thời, là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu, giao thương quốc tế… Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ĐBSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại nhiều “nút thắt”, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía Nam và bình quân chung cả nước.

Bên cạnh đó, ĐBSCL đang đối mặt với một thách thức rất lớn là BĐKH và nước biển dâng dẫn đến những ưu thế về điều kiện tự nhiên vốn có của vùng sẽ bị mất đi hoặc thay đổi theo hướng bất lợi. Điều dễ nhận thấy nhất là sự suy giảm tài nguyên nước và phù sa, tình trạng mặn xâm nhập sâu và hạn hán kéo dài, nước biển dâng đã tác động tiêu cực đến tài nguyên đất và hệ sinh thái, môi trường của vùng.

 Việc xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực phải có tính tích hợp, liên ngành và liên vùng nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu tại Nghị quyết số 120 của Chính phủ là nhiệm vụ rất nặng nề, không chỉ của riêng vùng, mà phải gắn với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành; đòi hỏi có sự thống nhất, kết nối đồng bộ giữa các địa phương, các ngành và các lĩnh vực.

Trăn trở trước mục tiêu , nhiệm vụ đó, Thay mặt Đoàn Đại biểu Đảng bộ Bến Tre, đồng chí Phan Văn Mãi nêu 5 mục tiêu, thứ nhất, trên cơ sở Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 120, đề nghị phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL, từ đó cấu trúc lại không gian hiện hữu để ĐBSCL thật sự là nơi đáng sống và thịnh vượng trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng.

Thứ hai, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng cho vùng ĐBSCL như: hạ tầng thuỷ lợi - cấp nước, giao thông - logistics, năng lượng, hạ tầng số...

Đặc biệt, đề nghị có cơ chế đầu tư phát triển tuyến giao thông động lực ven biển nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐBSCL (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với BĐKH, nước biển dâng.

Thứ ba, Trung ương quan tâm, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư tại ĐBSCL, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế toàn vùng trên nền kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Thúc đẩy hình thành các khu kinh tế - quốc phòng vùng ven biển, vùng bên giới đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Thứ tư, cần có cơ chế phát triển khoa học công nghệ cho vùng, nhất là cho ngành nông nghiệp; tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp của vùng.

Thứ năm, kính đề nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành nghị quyết về phát triển toàn diện ĐBSCL, để định hướng sự phát triển bền vững của vùng và cả nước trong dài hạn. Kính đề nghị Quốc hội ban hành Luật ĐBSCL, trong đó nghiên cứu thí điểm mô hình cơ quan hành chính cấp vùng tại ĐBSCL.

Cùng chuyên mục
Tin khác