Thị trường

Bí thư TP. HCM Nguyễn Văn Nên: 'Không ngờ kết quả quý I lại xuống sâu như thế'

(VNF) - Theo Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, mặc dù đo lường trước được tình hình nên năm 2023, TP. HCM đề ra mục tiêu thấp hơn năm 2022 nhưng không ngờ kết quả quý I lại xuống sâu như thế.

Bí thư TP. HCM Nguyễn Văn Nên: 'Không ngờ kết quả quý I lại xuống sâu như thế'

Ngày 1/4, UBND TP. HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý II/2023.

Đây là thông tin được UBND TP. HCM công bố tại Phiên họp Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý II/2023 vào sáng 1/4

Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn thành phố, toàn quý I/2023 ước đạt 360.622,1 tỷ đồng tính theo giá hiện hành. Tính theo giá so sánh năm 2010 thì đạt 246.931,2 tỷ đồng, tăng 0,70% so với cùng kỳ năm ngoái. TP HCM có mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.

Đáng chú ý, trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP. HCM có 4 ngành có mức tăng âm, bao gồm: Vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,7%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

Theo Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên, 3 năm qua, tình hình diễn biến theo đúng tinh thần dự báo của các chuyên gia, đó là biến động, bất định, phức tạp và có những điều mơ hồ. TP. HCM hội nhập sâu rộng, bởi vậy, các hoạt động đều chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước. Mặc dù đo lường trước được tình hình nên năm 2023, TP. HCM đề ra mục tiêu thấp hơn năm 2022 nhưng không ngờ kết quả quý I lại xuống sâu như thế.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư TP. HCM, kinh tế TP. HCM bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới; thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh...

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng có nguyên nhân khách quan là trong quý IV/2022 kinh tế TP. HCM và cả nước nói chung là bên ngoài chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới, trong nước thì diễn ra chấn chỉnh thị trường bất động sản và tài chính.

Hai yếu tố này cộng hưởng dẫn đến rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế, đặc biệt TP. HCM là địa bàn chịu tác động trực tiếp và mạnh nhất trong cả nước.

Với 3 động lực để thúc đẩy nền kinh tế là sử dụng công cụ đầu tư công, hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa, thì trong quý I/2023, TP.HCM giải ngân đầu tư công chỉ đạt 2%, xem như đã bỏ hoàn toàn công cụ này. Thứ hai là việc gỡ các thể chế để hấp thụ vốn vẫn chưa được quyết liệt, phải công khai minh bạch trong kêu gọi các dự án. Thứ ba là việc khai thác thị trường nội địa của TP. HCM chưa được hiệu quả. Như vậy, vấn đề là cả 3 trụ cột để thúc đẩy kinh tế, để vực dậy TP. HCM chưa được sử dụng hiệu quả.

TS Trần Du Lịch cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là TP. HCM phải hấp thụ được vốn, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân.

Trong các nhiệm vụ tập trung trong quý II/ 2023 được UBND TP. HCM xác định, , có nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; Triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản;…

Một số các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện ngay trong tháng 4 là hoàn thiện Đề án thu hút FDI và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ cho TP. HCM; Rà soát các quy hoạch của thành phố gắn với định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và định hướng chính sách phát triển công nghiệp TP. HCM trong bối cảnh mới...

Tin mới lên