Tài chính

Bia Hà Nội 'nếm mùi' thua lỗ sau 3 năm

(VNF) - Quý I/2023 của Tổng công ty Cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội đã kết thúc với khoản lỗ sau thuế hơn 3,7 tỷ đồng. Trước đó, quý báo lỗ gần đây nhất của công ty này là vào quý I/2020 với hơn 98 tỷ đồng.

Bia Hà Nội 'nếm mùi' thua lỗ sau 3 năm

Bia Hà Nội 'nếm mùi' thua lỗ sau 3 năm.

Theo báo cáo tài chính quý I/2023 của Tổng công ty Cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN), doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.172 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp đạt 245,8 tỷ đồng.

Trong quý này, Habeco ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng lên đến 76,5% so với quý I/2022, đạt mức 45,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay với 45,19 tỷ đồng (chiếm 99,9%).

Trong khi đó, các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn neo ở mức khá cao, lần lượt đạt 204,8 tỷ đồng (giảm 13%) và 85,3 tỷ đồng (giảm 10%). Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế của Habeco trong quý I còn 5,1 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, sau khi tính thuế, lợi nhuận quý I của Habeco đã về mức âm 3,7 tỷ đồng. Theo đó, Habeco đã phải "nếm mùi" thua lỗ sau 3 năm. Trước đó, lần thua lỗ gần đây nhất của Habeco là vào quý I/2020 với hơn 98 tỷ đồng.

Theo Habeco, kết quả trên là do sụt giảm về doanh thu bán hàng ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát chặt chẽ vi phạm nồng độ cồn cũng như thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng giảm. Bên cạnh đó là chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ.

Về tài sản, tính tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Habeco đã hao hụt hơn 650 tỷ đồng so với hồi đầu năm, về mức hơn 6.581 tỷ đồng. Phân bổ phần lớn là tài sản ngắn hạn với hơn 4.305 tỷ đồng, chiếm 65%.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Habeco chiếm tới 34,7% tổng tài sản, ở mức 2.284 tỷ đồng. Đây là tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng.

Về nguồn vốn, chiếm phần lớn là vốn chủ sở hữu với 5.301 tỷ đồng. Trong khi nợ phải trả của Habeco chỉ là 1.280 tỷ đồng. Cụ thể, nợ ngắn hạn chiếm 91% với 1.166 tỷ đồng. Trong đó, phải trả người bán 293,4 tỷ đồng, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 235,2 tỷ đồng.

Đối với dòng tiền, lưu chuyển dòng tiền thuần trong kỳ của Habeco đạt 157,9 tỷ đồng, có phần tốt hơn so với cùng kỳ năm 2022 (-86,4 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả này có được lại nhờ vào dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư.

Cụ thể, trong quý I, Habeco đã chi 589,9 tỷ đồng để cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Chiều ngược lại, công ty cũng đã thu về 1.278 tỷ đồng tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác và chỉ có hơn 53 tỷ đồng là từ lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia.

Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Habeco lại âm đến 564 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với quý I/2022. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang có sự bất ổn trong kinh doanh.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5, giá cổ phiếu BHN đang neo ở mức 43.100 đồng/cổ phiếu.

Tin mới lên