Bộ trưởng Công Thương: ‘Việt Nam không thể ngụy biện và thuyết phục EU bằng luận cứ suông’

Xuân Hải - 13/02/2020 12:29 (GMT+7)

(VNF) – Phản bác quan điểm cho rằng EVFTA mang lại thịnh vượng và việc làm cho Việt Nam chỉ là ngụy biện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Để đạt được thỏa thuận với những cam kết rất cao, rõ ràng Việt Nam không thể dùng cách ngụy biện và thuyết phục EU bằng luận cứ suông. EU có cơ sở để lựa chọn và đặt sự tin tưởng vào Việt Nam”.

VNF
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Như VietnamFinance đã thông tin, hôm 12/2, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Đây là kết quả đáng mừng của tiến trình đàm phán thông qua 2 hiệp định, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam đầu năm 2020 đang gặp bất lợi vì sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Liên quan đến việc Nghị viện châu Âu thông qua 2 hiệp định quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã dành thời gian trả lời báo chí về những tác động của hiệp định và bước đi tiếp theo của Việt Nam.

VietnamFinance lược ghi phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:

- Thưa Bộ trưởng, việc Nghị viện châu Âu thông qua 2 hiệp định sẽ có tác động như thế nào đến Việt Nam?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA và EVIPA là hai hiệp định có ý nghĩa nhất đối với Việt Nam hiện nay. Như đã biết, chiến lược hội nhập của Việt Nam là đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế. Ta đã có hơn 200 đối tác về kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, thực tế một số thị trường lớn đang có ảnh hưởng không nhỏ với kinh tế Việt Nam. Vì thế, một số mặt hàng chủ lực của ta như dệt may, giày da, điện tử, chế biến chế tạo, gỗ, nông thủy sản… đã gặp khó khăn khi dịch bệnh xuất hiện.

Thực tế này cho thấy ta cần tái cơ cấu các ngành hàng sản xuất, đồng thời mở rộng thị trường. EVFTA là hiệp định có ý nghĩa quan trọng, bởi EU là thị trường có tiềm năng rất lớn. Việc hiệp định được thông qua là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị phần, gia tăng giá trị xuất khẩu. Trong vòng 7 năm, 99% dòng thuế sẽ về 0, rõ ràng năng lực cạnh tranh về giá của Việt Nam sẽ rất tốt, chưa kể các thuận lợi khác khi ta được tiếp cận công nghệ nguồn, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Tất nhiên, mọi việc không thuận lợi một chiều. Việt Nam sẽ phải nỗ lực gia tăng năng lực sản xuất, tái cơ cấu hiệu quả các ngành hàng, nhất là thực hiện một loạt biện pháp theo cam kết của hiệp định, nhất là cải cách về pháp lý, đáp ứng các cam kết về môi trường, phát triển bền vững, người lao động…

- Bộ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình đàm phán để Nghị viện châu Âu thông qua 2 hiệp định?

Quá trình đàm phán đòi hỏi sự nỗ lực của hai bên. Ta biết rằng Nghị viện châu Âu gồm nhiều nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái, đại diện cho nhiều nhóm quan điểm. Có nhiều nghị sĩ quan tâm về vấn đề phát triển bền vững, ví dụ như đánh bắt cá bất hợp pháp, khai thác rừng tự nhiên, điều kiện của người lao động…

Quá trình đàm phán cũng có nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề nhân quyền, người lao động, dân tộc, tôn giáo… Vì thế, hai bên đã phối hợp chặt chẽ với nhau. Việt Nam đã kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của các nghị sĩ châu Âu.

Dù vẫn có phiếu chống nhưng chúng ta đã đạt được tỷ lệ đồng thuận cao, 63,33%. Điều đó cho thấy xu thế tất yếu ủng hộ sự phát triển của Việt Nam.

- Việc giám sát thực thi hiệp định sẽ thế nào, thưa Bộ trưởng?

Cả Chính phủ Việt Nam và EU đều khẳng định quyết tâm đối với hiệp định này. Khi ký kết, Chính phủ đã làm việc với Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu về cơ chế, biện pháp đảm bảo thực thi hiệp định, sao cho đáp ứng được yêu cầu của các bên.

Tôi lấy ví dụ vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, ta đã ban hành Luật Thủy sản, đảm bảo quá trình giám sát. Tôi tin với nỗ lực này, rất sớm thôi, thẻ vàng của EU sẽ được gỡ bỏ.

Tương tự như vấn đề người lao động, Việt Nam đã thông qua 6 công ước, nhất là công ước 98. Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, đảm bảo đáp ứng các công ước của ILO, sớm nhất là công ước 105 của ILO sẽ được Quốc hội Việt Nam xem xét.

- Sắp tới Bộ Công Thương sẽ chuẩn bị những gì cho 2 hiệp định?

Điểm khác biệt của 2 hiệp định này là hiệu lực nhanh. Với việc Nghị viện châu Âu thông qua, 2 hiệp định chỉ còn một thủ tục nữa Hội đồng châu Âu phê chuẩn. Về phía Việt Nam, chúng ta còn hơn 2 tháng nữa là đến kỳ họp Quốc hội.

Nếu mọi việc thuận lợi, hiệp định được phê chuẩn vào tháng 5 thì hiệp định sẽ có hiệu lực vào tháng 7.

Đây là cơ hội tốt cho kinh tế Việt Nam, vì vậy Bộ Công Thương đã xác định một số nhiệm vụ quan trọng.

Một là Bộ Công Thương sẽ phối hợp các bộ hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch nước trước khi trình ra Quốc hội.

Hai là Bộ Công Thương triển khai việc rà soát kế hoạch hành động của Chính phủ, báo cáo Chính phủ để sau khi hiệp định được phê chuẩn thì chương trình hành động được ban hành.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ triển khai việc tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các cơ quan trong hệ thống chính trị, đảm bảo thống nhất quan điểm, tổ chức thực hiện.

Trọng tâm của chương trình tuyên truyền sẽ hướng về doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội để đảm bảo doanh nghiệp hội nhập đúng cam kết, phát huy tối đa lợi thế.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để tổ chức lại sản xuất, đảm bảo tái cơ cấu dài hạn, đảm bảo hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của thị trường châu Âu.

Đặc biệt, Bộ sẽ tích cực đấu tranh chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại vì thực tiễn cho thấy càng nhiều ưu đãi thì nguy cơ thẩm lậu hàng hóa càng nhiều.

- Bộ trưởng đã nói đến trường hợp thuận lợi, vậy nếu quá trình phê chuẩn hiệp định không thuận lợi thì sao?

Như tôi đã nói, quy trình đưa hiệp định vào giai đoạn có hiệu lực thi hành đang ở đoạn cuối. Với việc Nghị viện châu Âu thông qua, ta chỉ còn chờ Hội đồng châu Âu.

Đánh giá về nguy cơ thì không dám nói ta đã tuyệt đối thuận lợi, nhưng cơ bản ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Ta chờ đợi và tin tưởng vào kết quả tốt đẹp.

- Một số nghị sĩ châu Âu và một số nhóm có quan điểm cho rằng nói 2 hiệp định mang lại thịnh vượng và tạo thêm việc làm chỉ là ngụy biện. Bộ trưởng có bình luận gì?

Tôi cho rằng với việc 63,33% nghị sĩ châu Âu đồng thuận với EVFTA, thái độ của châu Âu đã rõ. Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng ủng hộ mạnh mẽ cả 2 hiệp định.

Cũng cần nhắc lại rằng Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại của rất nhiều nước. Và để đạt được thỏa thuận với những cam kết rất cao trong EVFTA và EVIPA, rõ ràng ta không thể ngụy biện và thuyết phục EU bằng những luận cứ suông. EU có cơ sở để lựa chọn và đặt sự tin tưởng vào Việt Nam.

Chắc chắn rằng những lợi ích kinh tế, thương mại và nhiều lợi ích khác sẽ có được nhờ 2 hiệp định này, giúp mang lại sự phồn vinh cho đất nước. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được.

Vấn đề chỉ còn là ta tổ chức thực hiện hiệp định này thế nào để mang lại lợi ích toàn diện cho người dân 2 bên, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tôi tin rằng phía EU chia sẻ với Việt Nam về điều này.

- Việt Nam hưởng lợi nhờ 2 hiệp định, nhưng còn tác động bất lợi khi hàng hóa EU tràn vào Việt Nam thì sao?

Với ưu đãi thuế quan và năng lực cạnh tranh của EU, chắc chắn có áp lực lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù có một số sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, cơ bản cơ cấu hàng hóa giữa Việt Nam và EU có tính bổ trợ. Các sản phẩm của EU có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nền kinh tế trong hoạt động sản xuất.

Điều quan trọng là phải tái cơ cấu lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn, ngay cả đối với lĩnh vực có cạnh tranh trực tiếp.

Và cho dù là trường hợp nào, Chính phủ Việt Nam sẽ luôn lắng nghe, nghiên cứu chính sách để đảm bảo lợi ích, hiệu quả của nền kinh tế quốc dân, trên cơ sở cân bằng yếu tố liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu và quyền lợi của người tiêu dùng.

Công cụ phòng vệ, các biện pháp cần thiết trong khung khổ… chắc chắn sẽ được Chính phủ cẩn trọng nghiên cứu vì lợi ích chung.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Cùng chuyên mục
Tin khác