Tiêu điểm

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thúc đẩy tài chính số vì sự phát triển của nền kinh tế

(VNF) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368 về Chiến lược Tài chính đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là tập trung vào việc xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thúc đẩy tài chính số vì sự phát triển của nền kinh tế

Ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Trong đó, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia; xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã và đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số. Đặc biệt trong lĩnh vực kho bạc thực hiện 3 không: không tiền mặt, không giao dịch trực tiếp, không hồ sơ giấy; Lĩnh vực thuế đã triển khai thành công việc thực hiện hóa đơn điện tử trên toàn quốc; triển khai hệ thống nộp thuế điện tử qua ứng dụng Etaxmobile; mở Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam;

Xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn từ các sàn giao dịch thương mại điện tử; Lĩnh vực Chứng khoán đang triển khai các hệ thống, giải pháp CNTT đồng bộ nâng cao khả năng giám sát, minh bạch hóa thị trường…và đồng thời triển khai công tác chuyển đổi số mạnh trên các lĩnh vực khác nên kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 08/8/2022, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số năm 2021 khối các bộ cung cấp dịch vụ công.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; Hải quan thông minh; Kho bạc số “3 không” và Chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán. Có thể thấy, ngành Tài chính đã quyết tâm chuyển đổi sang một nền tài chính số hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đảm bảo sự minh bạch, chuyên nghiệp.

Hiện nay, kinh tế số - tài chính số ở Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ và toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực. Để có thể làm tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tài chính rất cần có sự phối hợp của các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước. Công tác thông tin, tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm góp phần nâng cao nhận thức chung của cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Tạp chí Đầu tư Tài chính và các cơ quan báo chí khác đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của lĩnh vực kinh tế - tài chính số nói chung theo hướng lành mạnh, bền vững, vì sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam”.

Bộ Tài chính hiện đang tiếp tục triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Tài chính, trọng tâm tập trung vào 05 trụ cột gồm: Phát triển dữ liệu, phát triển các nền tảng, phát triển các ứng dụng dịch vụ, phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn thông tin.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, triển khai kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Bộ sẽ xây dựng, triển khai các ứng dụng, hệ thống thông tin, dữ liệu dùng chung, nền tảng công nghệ dùng chung phục vụ tích hợp, liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong toàn ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành.

Đồng thời, sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính, đảm bảo kết nối thông suốt, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; rà soát, đánh giá các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính đáp ứng yêu cầu xây dựng dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng theo các mức độ quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ.

Bộ cũng sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và phát triển hệ thống thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, dự trữ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng hệ thống pháp luật đồng bộ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hợp pháp, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo Bộ Tài chính, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính kết nối, tích hợp theo thời gian thực với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các đơn vị thuộc Bộ.

Tin mới lên