Công nghệ

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Không thể tay không bắt chip được'

(VNF) - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi nói về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại phiên thảo luận của Quốc hội trong ngày 1/11.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: 'Không thể tay không bắt chip được'

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Tại phiên thảo luận này, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho biết Chính phủ đã đề cập đến việc chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi. Trong đó có việc đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn giai đoạn từ năm 2025 đến 2030.

Theo ông Cường, với mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách cho phép sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng các trụ sở để các đơn vị, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm về công nghệ có thể thuê, đào tạo nguồn nhân lực ngành sản xuất chip bán dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

"Nếu không có chính sách phù hợp để phát triển nội lực thì mức độ lan tỏa sẽ không lớn, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa không đạt được và con đường công nghiệp gia công đóng gói sẽ lặp lại", đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất quan trọng, ngành sản phẩm cốt lõi của công nghệ cao chất bán dẫn, chip, kim loại hiếm.

Tuy nhiên, ông Khải cho rằng dù thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng nhà xưởng sẵn sàng thế nào, nhưng nếu chưa có "ổ lót" là lao động chất lượng cao, chuyên sâu chuyển đổi và năng suất lao động được cải thiện thì làm sao "đại bàng" công nghệ có thể hạ cánh và đẻ trứng vàng?

Giải trình về các vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành giáo dục thấy rõ đây là trọng trách, sứ mệnh để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Với nhiệm vụ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho ngành bán dẫn, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần với lĩnh vực này.

"Các nhân lực ngành công nghệ thông tin, điện tử, điện lạnh có thể tiến hành bổ túc, chuyển đổi để bổ sung thành nhân lực ngành bán dẫn. Các trường cũng đã tổ chức mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình, tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký hiệp định với Intel, nhiều doanh nghiệp công nghệ để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn, từ đó có những đào tạo, tránh ào ào đào tạo dẫn đến dư thừa", Bộ trưởng nói.

Trong năm 2024, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đặt ra. 

"Đây là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nên cũng mong đầu tư cao. Không thể tay không bắt chip được", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư các phòng thực hành để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.

Tin mới lên