Bộ Tư pháp Mỹ 'tố' Huawei ép nhân viên đánh cắp bí mật thương mại

Chu La - 30/01/2019 17:07 (GMT+7)

(VNF) - Trong bản cáo trạng được Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 28/1, các công tố viên Mỹ đã chỉ ra một loạt “chiêu trò” của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei nhằm đánh cắp bí mật thương mại từ nước ngoài.

VNF
Bộ Tư pháp Mỹ 'tố' Huawei ép nhân viên đánh cắp bí mật thương mại.

Theo đó, các công tố viên Mỹ cho biết Huawei có chính sách đặc biệt dành cho các nhân viên lấy được thông tin giá trị từ các đối thủ cạnh tranh.

Các nhân viên Huawei sẽ đăng tải những bí mật kinh doanh mà họ lấy được từ đối thủ lên một trang web nội bộ. Nếu là thông tin cực kỳ nhạy cảm, họ sẽ gửi thư điện tử mã hóa tới một hòm thư đặc biệt.

Sau đó, một nhóm nhân viên được cho là sẽ có nhiệm vụ rà soát các thông tin được gửi lên và tặng tiền thưởng hàng tháng cho những tin tức có giá trị. Mỗi năm 2 lần, 3 khu vực chiếm đoạt được nhiều thông tin nhất sẽ được thưởng, một cáo trạng viết.

Bên cạnh đó, Huawei còn bị cáo buộc gây áp lực cho các nhân viên làm việc tại nước ngoài thực hiện hành vi gian lận kinh doanh.

Báo cáo từ phía các công tố viên thuật lại sự việc xảy ra hệ thống thử nghiệm điện thoại Tappy của T-Mobile. Do Huawei là một trong những nhà cung cấp của hãng viễn thông Mỹ, các kỹ sư của họ được phép truy cập vào hệ thống của T-Mobile.

Cáo trạng của tòa án Mỹ chỉ ra hàng loạt những thư điện tử do các nhân viên Huawei Trung Quốc gửi sang cho đồng nghiệp ở Mỹ với nội dung thúc giục chuyển các thông tin kỹ thuật nhạy cảm trong dự án của T-Mobile về.

Các nhân viên Huawei của Mỹ đã làm theo yêu cầu từ phía công ty ở Trung Quốc. Họ cũng nói rằng T-Mobile dường như đã nghi ngờ và cài đặt camera ở phòng đặt hệ thống Tappy. Phía công ty Mỹ nghi ngờ Huawei đã cử kỹ sư tới Mỹ để thăm dò về thông tin liên quan tới hệ thống T-Mobile.

T-Mobile đã cáo buộc Huawei đánh cắp một công nghệ của họ tên là "Tappy".

Sự việc bùng phát sau khi một nhân viên Huawei tại Mỹ đã lấy đi một bộ phận của Tappy và mô tả, chụp ảnh lại rồi gửi về Trung Quốc. T-Mobile sau đó đã thu lại thẻ ra vào của người trên và không cho phép nhân viên Huawei được tiếp cận Tappy nếu không có sự giám sát.

Trước đó, T-Mobile từng cáo buộc Huawei đánh cắp một công nghệ của họ tên là "Tappy", công nghệ mô phỏng ngón tay người được dùng để kiểm tra smartphone. Huawei nói hai bên đã giải quyết xong tranh chấp vào năm 2017.

Trong bản cáo trạng gồm 13 điều khác, Bộ Tư pháp Mỹ nói Huawei đã lừa dối một ngân hàng quốc tế và cơ quan chức năng Mỹ về quan hệ giữa tập đoàn với các công ty con, Skycom Tech và Huawei Device USA, để tiến hành hoạt động kinh doanh tại Iran.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray nói các vụ việc "cho thấy những hành vi táo bạo và ngoan cố của Huawei trong việc lợi dụng các công ty và thiết chế tài chính Mỹ, đe dọa thị trường tự do và công bằng toàn cầu".

Hai bản cáo trạng đã làm gia tăng sức ép của Mỹ lên Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vẫn chưa tìm thấy lối ra trong cuộc chiến thương mại và căng thẳng trong nhiều lĩnh vực khác.

Xem thêm >> Nghị sĩ Venezuela: Máy bay Nga sắp chở 20 tấn vàng rời khỏi Venezuela

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác