Thị trường

Bộ VHTTDL có công điện, vì sao các địa phương vẫn tổ chức lễ hội đầu xuân?

Nhiều tỉnh thành vẫn tổ chức lễ hội đầu xuân, không ít nơi xảy ra tình trạng đông nghẹt người, "không thể nhích chân" dù trước đó Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã có công điện gửi UBND các tỉnh về việc yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Bộ VHTTDL có công điện, vì sao các địa phương vẫn tổ chức lễ hội đầu xuân?

Bộ VHTTDL có công điện, vì sao các địa phương vẫn tổ chức lễ hội đầu xuân?

Theo ghi nhận của PV báo Lao Động, tại không ít tỉnh thành trên cả nước trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần đang xảy ra tình trạng chen chân đi lễ hội, "biển người" du xuân. Như tại Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang), chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam),... lượng người đổ về du xuân nhiều thời điểm đông tới mức "không thể nhích chân nổi".

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết Bộ VHTTDL đã có công điện gửi UBND các tỉnh về việc yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ dịp Tết Nhâm Dần 2022.

Trong công điện gửi các tỉnh, Bộ VHTTDL cũng có nêu rõ, với các lễ hội truyền thống, địa phương chỉ tổ chức phần nghi lễ (dâng hương,…), không tổ chức phần hội (vui chơi, giải trí, thể thao...).

“Quy mô tổ chức phần lễ là bao nhiêu người là do trách nhiệm của từng địa phương. Nếu địa phương thấy đang kiểm soát tốt dịch bệnh, họ có thể cho phép tổ chức ở phạm vi mà mình kiểm soát được. Đảm bảo thích ứng an toàn theo Nghị quyết 128. Nếu không thể kiểm soát được và không đảm bảo quy định chống dịch thì địa phương có thể ra quyết định tạm dừng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Du khách tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) ngày mùng 4 Tết.

Cùng trao đổi với phóng viên báo Lao Động, GS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam đã chuyển từ chiến lược Zero Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch COVID-19, trên cơ sở là tỉ lệ tiêm vaccine cao, năng lực y tế tốt hơn, hiểu biết của người dân về dịch được nâng cao.

“Tuy vậy, không phải dựa vào cơ sở trên mà xả hơi, buông lỏng chống dịch. Tất cả các hoạt động chúng ta đã nới lỏng trong đó có việc đi lại, du lịch của người dân nhưng vẫn phải là hoạt động có điều kiện về an toàn phòng dịch. Không phải ngăn sông cấm chợ nhưng phải an toàn, chứ không phải là thả cửa”, ông Trần Đắc Phu nói.

Theo GS.TS Trần Đắc Phu, địa phương tổ chức lễ hội cần đưa ra các biện pháp an toàn để giảm thiểu các nguyên nhân của lây nhiễm dịch bệnh đó là: tiếp xúc gần, là đám đông, trong phòng kín.

“Trong hoạt động lễ hội chỗ nào có nguy cơ cao chúng ta chỉ làm phần lễ không làm phần hội. Đối với những nơi không có nguy cơ cao, chúng ta cũng có thể tổ chức được nhưng phải đảm bảo được quy định chống dịch. Ví dụ như khi tổ chức ăn uống, cúng lễ phải có khoảng cách. Đông quá, thì phải tạm thời đóng lại chứ không phải tổ chức một cách không có điều kiện”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói.

GS.TS Trần Đắc Phu lưu ý rằng, nếu xảy ra việc lây nhiễm dịch bệnh thì có thể không phải là lây lan tại địa điểm du lịch, lễ hội đó mà là về địa bàn, quê hương sau khi du lịch, du xuân trở về.

Bắc Ninh vào cuộc sau phản ánh du khách chen chúc tại Đền Bà chúa Kho

Ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần, có hàng nghìn du khách thập phương đổ về Đền Bà chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh) để cúng lễ. Du khách đa phần bỏ qua bước khai báo y tế, khử khuẩn trước khi vào Đền. Tại một số điện thờ xảy ra tình trạng người dân chen chúc cúng lễ.

Sau khi Báo Lao Động phản ánh tình trạng trên, Ban chỉ đạo chống dịch phường Vũ Ninh đã có thông báo về việc tạm dừng đón khách tại Đền Bà chúa Kho và Đền Trình (thuộc phường Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh) từ ngày mùng 5 Tết cho đến khi có thông báo mới.

"Trong thời gian tới, nếu Ban quản lý di tích Đền Bà chúa Kho cam kết điều tiết, thực hiện được đúng quy trình chống dịch thì sẽ cho đón khách trở lại để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dịp đầu Xuân của nhân dân", Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nói với phóng viên Lao Động.

Ngày 5.2, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ra văn bản về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán đảm bảo phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.

 

Tin mới lên