Bộ Y tế bán vốn nhà nước tại Vinapharm và ẩn số Việt Phương

Việt Anh - 05/12/2020 08:18 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến hạn thoái vốn nhà nước tại Vinapharm (ngày 31/12/2020), dư luận đặt ra câu hỏi đặt là khi nào Bộ Y tế sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phần và Dược Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ở điểm nào?

VNF
Bộ Y tế sắp bán vốn nhà nước tại Vinapharm?

Theo quyết định 908 ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm, UPCoM: DVN) sẽ phải thực hiện thoái 29% vốn, tương đương 68,73 triệu cổ phiếu, nhằm giảm tỷ lệ vốn nhà nước đang nắm giữ từ 65% xuống còn 36%. Hạn chót là đến hết năm 2020.

Đây có thể là tối hậu thư đối với Bộ Y tế, trong bối cảnh tiến độ thoái vốn vẫn "ì ạch". Theo kế hoạch bán vốn nhà nước trước đó, đáng nhẽ Bộ Y tế phải bán ra 35% vốn Vinapharm vào năm 2017, 30% vốn còn lại sẽ được bán nốt vào năm 2018.

Tạm tính theo thị giá cổ phiếu DVN ngày 3/12/2020 là 15.200 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị lô cổ phần nhà nước muốn thoái lần này là hơn 1.040 tỷ đồng.

"Con cưng" của Bộ Y tế

Vinapharm tiền thân là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được thành lập vào tháng 4/1971, trên cơ sở sáp nhập Cục phân phối dược phẩm, Cục dược liệu, Cục quản lý sản xuất và bộ phận kinh doanh của Cục vật tư và xây dựng cơ bản.

Năm 2010, đơn vị chính thức được đổi tên là Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), đồng thời công ty thực hiện quyết định của Chính phủ về việc chuyển đổi Công ty Nhà nước thành Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

Ngày 22/6/2016, Vinapharm tổ chức phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với tỷ lệ thành công 100%, đem về cho Tổng công ty hơn 440 tỷ đồng.

Theo đó, toàn bộ số lượng chào bán trong đợt IPO là hơn 42,5 triệu đơn vị, chiếm gần 18% vốn điều lệ với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu đã được 175 nhà đầu tư thu mua, với mức giá trúng thầu trung bình là 10.430 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, theo đề án cổ phần hóa, Tổng công ty đã bán 40,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 17% vốn cho nhà đầu tư chiến lược duy nhất là Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) với mức giá thỏa thuận bằng mệnh giá.

Theo quy định, số lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày Vinapharm nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu theo Luật Doanh nghiệp.

Đầu tháng 12/2016, Vinapharm được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần với vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng. Đến tháng 5/2017, cổ phiếu DVN chính thức lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.400 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, Vinapharm hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... bên cạnh đó là nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược.

Tiềm lực của Vinapharm

Về cơ cấu hoạt động, ngoài Tổng công ty mẹ và 3 đơn vị trực thuộc là các trung tâm nghiên cứu, dịch vụ, văn phòng đại diện, hoạt động kinh doanh của Vinapharm còn thông qua 4 công ty con bao gồm Dược phẩm Trung ương Codupha, CPC 1, Trung ương 3 và Codupha Lào.

Tổng công ty cũng góp vốn vào 11 công ty liên kết và 8 khoản đầu tư tài chính dài hạn với tổng giá trị gần 1.400 tỷ đồng, trong đó có các tên tuổi nổi bật như Dược phẩm OPC, Imexpharm, Mekophar, Vidipha...

Tổng công ty còn nắm giữ quỹ đất khá "khủng", theo thống kê của VietnamFinance, không ít các khu đất nằm ở vị trí trung tâm TP. Hà Nội và TP.HCM với tổng diện tích hàng chục nghìn m2 nằm trong tay của Vinapharm.

Tại Hà Nội, có thể đến lô đất "vàng" số 95 Láng Hạ (quận Đống Đa) có tổng diện tích 3.280 m2, số 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) có diện tích 2.670 m2, số 12 Ngô Tất Tố (quận Đống Đa) có tổng diện tích gần 2.000 m2.

Hay ở TP.HCM là lô đất số 178 Điện Biên Phủ có quy mô 1.235 m2 và khu đất số 126A Trần Quốc Thảo, cùng ở quận 3, có quy mô 691 m2 là trụ sở văn phòng đại diện của Tổng công ty.
Toàn bộ đều là các lô đất Tổng công ty được thuê đất sử dụng trả tiền hàng năm.

Kể từ khi cổ phần hóa, tổng tài sản của Vinapharm có xu hướng giảm dần, tuy nhiên so với các doanh nghiệp còn lại trên thị trường dược, Tổng công ty vẫn đứng đầu cả về quy mô lẫn vị thế.
Theo đó, năm 2016 tổng tài sản của Vinapharm đạt gần 6.304 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 4.670 tỷ đồng.

Sang năm 2017, con số này đã giảm xuống còn 6.114 tỷ đồng do hao hụt của nhóm tài sản ngắn hạn, chủ yếu là khoản tiền nhàn rỗi và các khoản đầu tư tài chính.

Năm 2018 và 2019, tổng tài sản duy trì ở mức 5.713 tỷ đồng và 5.703, vẫn như các năm trước, đà giảm chung ảnh hưởng từ nhóm tài sản ngắn hạn.

Xuyên suốt giai đoạn này, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đứng ở mức 1,1 lần.

Về tình hình kinh doanh, sau giai đoạn cổ phần hóa, trái chiều với sự kì vọng vào một cuộc lột xác mang lại những đột phá trong định hướng chiến lược và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, thì Tổng công ty vẫn ghi nhận mức lợi nhuận rất khiêm tốn so với doanh thu, tình trạng không được cải thiện so với những năm trước đó.

Kết quả ảm đạm phần nhiều do giá vốn của Tổng công ty luôn chiếm xấp xỉ 90% số tiền thu được, thêm vào đó là các chi phí vận hành cao ngất ngưởng, dao động trong khoảng nửa nghìn tỷ mỗi năm.

Nếu như ở giai đoạn tiền cổ phần hóa, năm 2014 và 2015 doanh thu của Vinapharm đạt lần lượt 8.015 tỷ đồng và 7.281 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 411 tỷ đồng và 375 tỷ đồng.

Thì kết thúc năm 2016, sau khi IPO và "sửa soạn" để lên sàn UPCoM, doanh thu của Tổng công ty giảm 23% so với năm trước còn 5.625 tỷ đồng. May mắn thay, bất chấp doanh thu giảm lợi nhuận trong năm vẫn tăng đột biến lên 650 tỷ đồng.

Nguyên nhân là nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh lên 331 tỷ đồng do tiền cổ tức được chia và việc đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính giúp thu nhập khác tăng lên 200 tỷ đồng. Những yếu tố về mặt đầu tư này đã bù đắp cho hoạt động kinh doanh èo uột.

Bước sang giai đoạn 2017 - 2019, đà giảm của doanh thu thể hiện rõ nét, từ 6.814 tỷ đồng (năm 2017) xuống còn 5.693 tỷ đồng (năm 2019). Lợi nhuận theo đó cũng đì đẹt ở mức 257 tỷ đồng (năm 2017), giảm còn 241 tỷ đồng vào năm 2019.

Và mới đây nhất, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 cho thấy, tình hình kinh doanh tiếp tục thụt lùi, khi cả doanh thu và lợi nhuận lũy kế 9 tháng đều giảm từ 10 - 15% so với cùng giai đoạn năm trước.

Cần nhấn mạnh ở chỗ, ngay từ quý I khi dịch Covid-19 bùng phát, ngược dòng với các doanh nghiệp nhóm dược khác, Vinapharm lỗ ngay 26,6 tỷ đồng. Kết quả phản ánh sự thiếu nhạy bén trong việc thích ứng với thị trường của Tổng công ty - điều mà Dược Hậu Giang, Dược phẩm Hà Tây, Dược - Trang thiết bị Y Tế Bình Định khi đó làm rất tốt.

Dường như, sức hấp dẫn của Vinapharm không nằm ở hoạt động kinh doanh ấn tượng, mà triển vọng của Tổng công ty phụ thuộc lớn vào các dự án triển khai như trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược, cơ sở khám chữa bệnh, vùng dược liệu và nhà máy chiết xuất dược liệu... và các dự án liên doanh hợp tác ở các khu đất mà Tổng công ty đang nắm giữ.

Cổ đông chiến lược duy nhất của Vinapharm là ai?

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương, được thành lập từ năm 1996, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải khách hàng công cộng và bất động sản.

Công ty còn được biết đến với thế mạnh là đầu tư ra nước ngoài. Năm 2001, VPG thành lập Công ty Yedco tại nước Lào, đánh dấu dự án đầu tư đầu tiên ra thị trường quốc tế.

Một số dự án tiêu biểu của VPG giai đoạn này là khu Sontra Resort & Spa với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, dự án Khu tổ hợp du lịch Ngọn Hải Đăng, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, dự án thành lập Công ty Hòn Ngọc Á Châu với tổng vốn 1400 tỷ đồng...

Tháng 3/2007, pháp nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương được thành lập, đánh dấu bước chuyển đổi lên mô hình tập đoàn và phát triển theo hướng đa ngành nghề.

Chủ tịch VPG là ông Phương Hữu Việt, cũng là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Việt Á. Ngoài ra, ông Việt còn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam - Liên bang Nga, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ucraina, Uỷ viên Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Mặc dù không chia sẻ trên truyền thông, nhưng dường như Chủ tịch Phương Hữu Việt rót cả trăm tỷ đồng vào Vinapharm không chỉ vì thị trường dược tiềm năng, mà còn vì các dự án đầy hứa hẹn của Tổng công ty.

Là một doanh nhân đồng hành cùng nền kinh tế Việt Nam từ những ngày đầu của quá trình đổi mới, ông Việt hơn ai hết hiểu được giá trị mà mảng kinh doanh bất động sản mang lại.

Chính vì vậy, nhiều khả năng trong phiên thoái vốn nhà nước sắp tới (nếu có) của Bộ Y tế, ông Việt và VPG sẽ là những nhà đầu tư đăng ký tham gia đầu tiên.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng VPG đang chờ đợi rút vốn khỏi Tổng công ty, trong bối cảnh khu đất "vàng" 95 Láng Hạ còn gặp vướng mắc do nhiều chủ sở hữu, khiến việc xây dựng và triển khai đến nay còn ách tắc.

Thêm vào đó, việc Bộ Y tế vẫn sở hữu tối thiểu 36% vốn, đồng nghĩa với quyền phủ quyết nhiều vấn đề quan trọng thì Vinapharm vẫn nằm trong sự chi phối của nhà nước, điều này cũng có thể khiến ông Việt... chùn bước.

 
Cùng chuyên mục
Tin khác