BOJ điều chỉnh kiểm soát lợi suất trái phiếu, đồng Yên vẫn 'chìm sâu'

Minh Ý - 31/10/2023 15:47 (GMT+7)

(VNF) - Trong cuộc họp chính sách mới nhất, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã điều chỉnh chính sách kiểm soát lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, thực hiện một bước nhỏ khác hướng tới việc dỡ bỏ gói kích thích tiền tệ gây tranh cãi trong thập kỷ qua.

VNF
Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đang dần tiến tới thay đổi chính sách tiền tệ lỏng lẻo của mình bằng từng bước nhỏ.

Điều chỉnh YCC

Ngày 31/10, sau cuộc họp mới nhất của các thành viên hoạch định chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã có động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ "lỏng lẻo" của mình, bằng cách đặt ra "giới hạn tham chiếu" đối với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.

Cụ thể, để đối phó với giá cả tăng và đồng Yên Nhật tiếp tục trượt giá, ngân hàng trung ương đã thực hiện điều chỉnh lần thứ 2 trong vòng 3 tháng đối với khuôn khổ kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).

Nếu như trong lần thay đổi trước, BOJ đặt mức 1% là "giới hạn cứng" cho lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm (JBG), thì trong lần thay đổi mới nhất, ngân hàng Nhật Bản đã quyết định chuyển "giới hạn cứng" 1% thành "giới hạn tham chiếu", đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu hoàn toàn có thể vượt trên mức trần này khi thị trường biến động.

Ngoài ra, BOJ duy trì mục tiêu -0,1% đối với lãi suất ngắn hạn và mục tiêu đối với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm là khoảng 0% được đặt dưới sự kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).

BOJ cho biết: “Với những bất ổn cực kỳ cao đối với nền kinh tế và thị trường, việc tăng cường tính linh hoạt trong việc tiến hành kiểm soát đường cong lợi suất là điều phù hợp”.

Các quan chức giải thích rằng quan điểm trước đây của họ là giới hạn nghiêm ngặt lãi suất dài hạn ở mức 1%, “sẽ có những tác động tích cực mạnh mẽ nhưng cũng có thể kéo theo những tác dụng phụ lớn. Vì điều này, BOJ quyết định tiến hành kiểm soát đường cong lợi suất chủ yếu thông qua việc mua JGB quy mô lớn”.

Quyết định này nêu bật việc lợi suất trái phiếu toàn cầu ngày càng tăng và lạm phát dai dẳng đang khiến BOJ ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì quyền kiểm soát lợi suất trái phiếu gây tranh cãi của mình.

Trước công chúng, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda tiếp tục luận điệu ôn hòa của người tiền nhiệm Haruhiko Kuroda, người đã nghỉ hưu vào tháng 4 năm nay, cho rằng vẫn cần phải kích thích tiền tệ lớn để vực dậy nhu cầu tiêu dùng đang trì trệ.

Tuy nhiên, đồng Yên yếu và các yếu tố khác đã khiến BOJ giảm dần một số biện pháp kích thích được duy trì dưới thời ông Kuroda, bao gồm cả YCC.

Dự báo lạm phát tăng

Bên cạnh việc điều chỉnh YCC, BOJ cũng điều chỉnh dự báo lạm phát của đất nước so với báo cáo hồi tháng 7. Cơ quan này lưu ý rằng điều này chủ yếu là do tác động kéo dài của việc tăng chi phí truyền dẫn, dẫn đến sự tăng giá nhập khẩu thời gian qua và sự tăng giá dầu thô gần đây.

Dự báo CPI cơ bản đã được nâng lên 2,8% từ mức 2,5% cho năm tài chính 2023, đồng thời cũng được nâng lên 2,8% và 1,7% tương ứng cho năm tài chính 2024 và 2025.

Dự báo trước đó là 1,9% cho năm 2024 và 1,6% cho năm 2025. Năm tài chính của Nhật Bản kéo dài từ tháng 4 đến tháng 3 năm sau.

Đồng Yên giảm

Quyết định chính sách của BOJ được những người tham gia thị trường xem là một sự thay đổi đối với chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo lâu đời của nước này. Tuy nhiên, nó không kích hoạt việc mua đồng yên trong ngày. Đồng tiền Nhật Bản đã giảm hơn 0,80 yên xuống còn hơn 150,10 so với đồng bạc xanh sau thông báo của BOJ.

Theo Nikkei Asia, chiều 31/10, đồng yên tiếp tục suy yếu so với đồng USD, duy trì quanh mức 150 Yên/USD. Động thái này trái ngược với thời điểm trước cuộc họp của BOJ, khi đồng Yên tăng 0,5% lên mức 148,81 so với USD, mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 11/10.

Xem thêm >> Đồng Yên lại thủng mốc 150 Yên/USD, thị trường 'mỏi mòn' chờ BOJ can thiệp

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác