Thị trường

BSR xin miễn thuế đối với nguyên liệu chế biến, sản xuất xăng dầu: Bộ Tài chính nói gì?

(VNF) - Bộ Tài chính vừa lên tiếng về kiến nghị điều chỉnh mức thuế nhập khẩu MFN, thuế nhập khẩu thông thường của các mặt hàng là nguyên liệu chế biến sản xuất xăng dầu và hóa dầu về mức 0% của Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

BSR xin miễn thuế đối với nguyên liệu chế biến, sản xuất xăng dầu: Bộ Tài chính nói gì?

BSR xin miễn thuế đối với nguyên liệu chế biến, sản xuất xăng dầu: Bộ Tài chính nói gì?

Công ty Cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) kiến nghị giảm thuế suất thuế nhập khấu MFN của mặt hàng condensate (HS:2709.00.20) từ 3% xuống 0%; mặt hàng loại khác (HS: 2710.19.90) và mặt hàng dầu mỏ và các loại dầu thu được từ các khoáng bi-tum (HS: 2710.20.00) từ 5% xuống 0%;

Giảm thuế suất thuế nhập khẩu thông thường của các mặt hàng cặn khác từ dầu có nguôn gốc từ dầu mỏ hoặc từ các loại dầu thu được từ khoáng bi-tum (HS: 2713.90.00) và mặt hàng propen (HS:2901.22.00) từ 5% xuống 0%.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết theo văn bản của BSR thì quy trình sản xuất dầu như sau: dầu thô được bơm vào 8 bể chứa có dung tích mỗi bể là 65.000m3. Tiếp theo, dầu thô được đưa vào tháp chưng cất khí quyển có công suất 140.000 thùng/ngày để chiết tách, chế biến thành các nguyên liệu bán thành phẩm như: khí gas, kerosen, gas oil nặng và nhẹ, cặn khí quyển T-DAO, VGO, naphtha, refomate, residue và propvlene lỏng.

Trong đó, khí gas được đưa đến phân xưởng chế biến sâu để thu hồi propylcnc lỏng và khí hóa lỏng (LPG), sau đó tiếp tục đưa propylene tới nhà máy polypropylene để chế biến ra hạt nhựa PP. Còn gas oil nặng và nhẹ được đưa đến các phân xưởng xử lý, chế biến ra dầu diesel.

Đối với kerosen, bán thành phẩm này được đưa đến các phân xưởng xử lý, chế biến ra dầu hỏa và nhiên liệu bay. Các nguyên liệu khác như cặn khí quyển, T-DAO, VGO, naphtha, refomate, residue được đưa đến phân xưởng chế biến, phối trộn và xử lý để sản xuất ra các sản phẩm xăng, diesel, dầu nhiên liệu...

Cũng theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2022 đến nay, nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty BSR vận hành vượt công suất thiết kế để tăng nguồn cung xăng dầu ra thị trường trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu thiếu hụt do tác động của căng thẳng Nga - Ukraine và việc giảm công suất vận hành của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty BSR đã nâng công suât vận hành của nhà máy lọc dầu Dung Quất (tháng 2/2022 ở mức trung bình 104,5%, tháng 3/2022 ở mức khoảng 108%, tháng 5/2022 ở mức khoảng 109%). Tuy nhiên, việc duy trì nguồn dầu thô để nâng công suất trong thời điểm hiện nay là rất khó khăn.

Theo BSR, hiện cơ cấu nguồn cung nguyên liệu dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất là 70% - 80% khai thác từ mỏ Bạch Hổ, còn lại là dầu thô Azeri nhập khẩu từ Azerbaijan. Tuy nhiên, sản lượng khai thác tại mỏ Bạch Hổ đang giảm dần nên không đáp ứng dù nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Do đó, Công ty BSR phải tăng nhập khẩu dầu thô lên tới 50%. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao do nguồn cung dầu thô thế giới khan hiếm và khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới, việc nhập khẩu dầu thô hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, thay vì nhập khẩu dầu thô để chưng cất chế biến từ đầu, Công ty BSR đã nghiên cứu xây dựng phương án nhập khẩu các nguyên liệu bán thành phẩm khác được chưng cất từ dầu thô (như T-DAO, VGO, naphtha, refomate, residue và propylene lỏng) để đưa vào chế biến sâu tại nhà máy lọc dầu Dung Quất để tạo ra các sản phẩm xăng dầu thành phẩm.

Theo tính toán của BSR, việc nhập khấu bán thành phẩm để sản xuất xăng dầu sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian so với sử dụng dầu thô để sản xuất, qua đó tăng độ linh hoạt vận hành, tăng công suất và gia tăng hiệu quả cho nhà máy Dung Quất.

Ưu đãi thuế cho mặt hàng VGO, ngân sách giảm thu khoảng 39 tỷ đồng/năm

Bộ Tài chính cho biết mặt hàng T-DAO là sản phẩm của công đoạn tách asphalt từ chưng cất chân không và có tính chất hóa lý tương tự với nguyên liệu đầu vào dùng để phối trộn/bổ sung nguyên liệu dầu thô cho sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Mặt hàng này thuộc mã HS 2710.19.90, thuế nhập khẩu MFN là 5%, thuế nhập khẩu thông thường là 7,5%, thuế suất FTA (ACFTA là 8%, AANZFTA, AIFTA, AJCEPT VJEPA, VCFTA, VN-EAEU là 5%; CPTPP là 7%; ATIGA, AKFTA, VKFTA là 0%).

Mặt hàng VGO là nguyên liệu/sản phẩm trung gian cho các nhà máy lọc dầu và được sử dụng để tăng sản lượng các sản phẩm có giá trị tại nhà máy. Nguồn nhập khẩu từ nhiều khu vực, tùy theo trọng lượng dầu mỏ và khoáng bitum có trong sản phẩm (theo chất lượng dầu) mà sản phẩm VGO được phân loại vào mã HS 2710.19.90 (thuế nhập khẩu MFN là 5%) hoặc 2710.20.00 (thuế nhập khẩu MFN là 0%).

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 kim ngạch nhập khẩu (KNNK) của mặt hàng thuộc mã HS 2710.19.90 khoảng 84,3 triệu USD (nhập khẩu nhiều nhất từ Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan,Ấn Độ, Trung Quốc). Bộ Tài chính để xuất điều chỉnh giảm thuế MFN của mã HS 2710.19.90 từ 5% xuống 0% (bằng mức thuế nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc) để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất xăng dầu trong nước và điều chỉnh tương ứng thuế nhập khẩu thông thường là 0% để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.

Việc điều chỉnh giảm thuế MFN và thuế nhập khẩu thông thường của mặt hàng này xuống 0% sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 39 tỷ đồng/năm.

Đối với mặt hàng VGO thuộc mã HS 2710.20.00 thì thuế nhập khẩu MFN đã là 0% nhưng thuế nhập khẩu thông thường đang là 5%. Theo sô liệu kim ngạch xuất khẩu của Tổng cục Hải quan năm 2021, KNNK mặt hàng thuộc mã HS 2710.20.00 khoảng 99.000 USD, trong đó nhập khẩu theo thuế nhập khẩu MFN là 32.000 USD, không có kim ngạch xuất khẩu theo thuế suất thông thường.

Tuy nhiên, để đa dạng hóa nguồn nhập khẩu trước áp lực từ giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2710.20.00. từ 5% xuống 0%. Việc điều chỉnh này dự kiến không làm giảm thu ngân sách nhà nước so với hiện hành.

Đối với mặt hàng residue thuộc mã HS 2713.90.00, thuế nhập khẩu MFN là 0%, thuế nhập khẩu thông thường là 5%, thuế suất tại các FTA là 0%. Đây là phân đoạn cặn của công đoạn chưng cất khí quyển hoặc chưng cất chân không dầu thô. Đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất, mặt hàng residue là nguyên liệu đầu vào dùng phối trộn một phần với dầu thô làm nguyên liệu chưng cất dầu thô (CDU).

Việc điều chỉnh giảm thuế MFN của mặt hàng condensate xuống 0% sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9,7 tỷ đồng/năm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 KNNK của mã HS 2713.90.00 là khoảng 20.000 USD, trong đó nhập khẩu theo thuế nhập khẩu MFN là 10.000 USD, không có KNNK từ thuế suất thông thường. Tuy nhiên, để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2713.90.00 từ 5% xuống 0%.

Trong khi đó, mặt hàng condensate thuộc mã HS 2709.00.20, thuế MFN là 3%, thuế nhập khẩu thông thường là 4,5%, thuế suất tại các FTA (ATIGA, ACFTA, AKPTA, AANZFTA là 5%, AJCEP, VJEPA, AIFTA, VCPTA là 3%; VKFTA, VNEA-EU, EVFTA, CPTPP là 0%). Condensate là hỗn hợp hydrocarbon lỏng được tách ra từ khí đồng hành hoặc khí thiên nhiên trong quá trình khai thác, vận chuyển và xử lý khí.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, KNNK của mặt hàng condensate khoảng 14,5 triệu USD, trong đó, nhập khẩu theo thuế nhập khẩu MFN là 14,4 triệu USD, không có KNNK từ thuế suất thông thường.

Do mặt hàng condensate là nguyên liệu khai thác từ thiên nhiên có tính chất tương tự dầu thỏ nhưng thành phần nhẹ. Theo nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất, các mặt hàng là tài nguyên, khoáng sản thô chưa qua chế biến được quy định mức thuế xuất khẩu cao để hạn chế xuất khẩu và quy định mức thuế nhập khẩu MFN thấp để khuyển khích nhập khẩu, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa qua chế biến trong nước.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2709.00.20 từ 3% xuống 0% và điều chỉnh tương ứng thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2709.00.20 là 0% để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất xăng dầu.

Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết nếu tính theo số liệu KNNK năm 2021, việc điều chỉnh giảm thuế MFN của mặt hàng này xuống 0% sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9,7 tỷ đồng/năm. Việc điều chính giảm thuế suất thuế nhập khẩu thông thường đối với mặt hàng này không làm giảm thu ngân sách nhà nước do không có KNNK theo thuế suất thông thường.

Cũng theo Bộ Tài chính, mặt hàng propen (propylen) thuộc mã HS 2901.22.00, thuế MFN là thuế suất tại các FTA là 0%, thuế nhập khẩu thông thường là 5%. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021 KNNK mặt hàng của mã HS 2713.90.00 khoảng 179,7 triệu USD, trong đó nhập khẩu theo thuế nhập khẩu MFN là 179,6 triệu USD, không có KNNK từ thuế suất thông thường.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu thông thường của mã HS 2901.22.00 từ 5% xuống 0% do mức thuế suất MFN và các FTA đã về 0% và việc điều chỉnh này không làm giảm thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, việc giảm thuế nhập khẩu thông thường sẽ tăng thêm cơ hội, lợi thế về thuế khi chào mua tại các nước có mức thuế 0%.

Xem thêm: Lộ thêm lỗ hổng trong quản lý thị trường xăng dầu

Tin mới lên