Thị trường

Cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19

(VNF) - Theo báo cáo vừa công bố sáng 6/1 của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19

Cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 (ảnh minh họa: SGGP)

Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo Triển Vọng Việc làm và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương 2020 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), ước tính hậu quả về kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây nên là mức tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trong năm 2020. 

Tại Việt nam, trong năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người.

Đại dịch Covid-19 trong năm 2020 đã khiến nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp trong đó có cả các biện pháp tinh giảm lao động (cắt giảm, nghỉ luân phiên,…), tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 sau nhiều năm liên tục giảm.

Tính chung năm 2020, số lao động trong độ tuổi thiếu việc làm là gần 1,2 triệu người, tăng 456,7 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó khu vực thành thị là 1,68%; khu vực nông thôn là 2,93% (năm 2019 tương ứng là 1,50%; 0,76%; 1,87%).

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2020 ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 1,50%; khu vực dịch vụ là 1,74% (năm 2019 tương ứng là 3,45%; 0,43%; 0,87%). Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã làm tình trạng thiếu việc làm lan rộng sang cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chứ không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản như trước đây.

So với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm ở cả ba khu vực kinh tế. Thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128 nghìn đồng). Thu nhập của lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất, giảm 215 nghìn đồng; tiếp đến là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 156 nghìn đồng. Mức giảm thu nhập của lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng là thấp nhất, giảm 100 nghìn đồng/người/tháng.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,77 điểm phần trăm.

Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt.

Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đều tăng cao trái ngược hẳn với xu thế giảm trong các năm gần đây.

Tin mới lên