Các nhà xuất khẩu LNG Mỹ công bố loạt thoả thuận mới giữa ‘cơn khát’ khí đốt của châu Âu

Quỳnh Anh - 23/06/2022 18:19 (GMT+7)

(VNF) - Các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ gần đây đã công bố một loạt các thỏa thuận và dự án thúc đẩy xuất khẩu mới, khi ngành công nghiệp này tận dụng sự thiếu hụt nguồn cung của Nga tại châu Âu để tìm kiếm những khách hàng tiềm năng mới.

VNF
Các nhà xuất khẩu LNG Mỹ tìm cách tăng công suất và mở rộng thị trường tại châu Âu.

Hôm 22/6, một loạt các thỏa thuận mua bán LNG của Mỹ đã được công bố, cho thấy quyết tâm của các nhà xuất khẩu khí hoá lỏng của nước này khi nguồn cung ngày càng eo hẹp từ Nga và các lệnh trừng phạt khiến các khách hàng mua khí đốt dần “quay lưng” với Moscow.

Venture Global, một nhà xuất khẩu LNG trên bờ biển Vịnh Mexico, cho biết đã đạt được thỏa thuận bán 2 triệu tấn mỗi năm cho hãng dầu lớn Chevron trong khoảng thời gian 20 năm.

Nhà cung cấp lớn nhất Mỹ Cheniere Energy cũng đã ký thỏa thuận riêng với Chevron, cung cấp 2 triệu tấn LNG mỗi năm trong thời hạn 15 năm. Thỏa thuận liên doanh toàn cầu đánh dấu hợp đồng lớn thứ 2 của công ty, sau khi Cheniere công bố kế hoạch bán 1,5 triệu tấn LNG mỗi năm cho EnBW, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của Đức.

Bên cạnh việc tăng cường các hợp đồng cung cấp cho các khách hàng tại châu Âu, ngày 23/6, Cheniere cho biết cũng đã quyết định đầu tư vào một dự án sẽ giúp tăng công suất hơn 20% vào cuối năm 2025, đồng thời mở rộng cơ sở ở Corpus Christi trên bờ biển Texas, giúp bổ sung thêm 10 triệu tấn công suất hoá lỏng cho công ty.

Được biết, công suất hiện tại của Cheniere là 45 triệu tấn/năm, trong khi tổng công suất của Mỹ đạt khoảng 99 triệu tấn.

Ngoài ra, tập đoàn hóa chất Ineos của Anh mới đây cũng công bố thoả thuận mua 1,4 triệu tấn LNG/năm trong vòng 20 năm với công ty Sempra Infrastructure của Mỹ, đánh dấu bước dấn thân vào ngành khí đốt hoá lỏng.

Công ty cho biết thỏa thuận với Sempra là một phần trong chiến lược xây dựng mạng lưới năng lực hóa lỏng, vận chuyển và tái hóa để cung cấp “năng lượng đáng tin cậy” cho các hoạt động và khách hàng của mình ở châu Âu và trên thế giới.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 1/4 trong tuần qua sau khi Nga cắt giảm công suất trên đường ống xuất khẩu khí đốt chính sang Đức, làm dấy lên lo ngại rằng Moscow “vũ khí hóa” hoạt động xuất khẩu khí đốt của mình để đáp trả các lệnh trừng phạt của EU.

Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết châu Âu phải chuẩn bị ngay lập tức cho việc cắt đứt hoàn toàn xuất khẩu khí đốt của Nga trong mùa đông này, thúc giục các chính phủ thực hiện các biện pháp cắt giảm nhu cầu và giữ cho các nhà máy điện hạt nhân cũ mở cửa.

Theo các nhà phân tích, châu Âu hiện nhập khẩu khoảng 20% khí đốt từ Nga, giảm so với mức 40% trước khi tấn công Ukraine.

Ngoài tìm kiếm các nguồn cung khí đốt mới, EU cũng tăng cường ký các hợp đồng mua LNG từ Mỹ, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, đặc biệt từ tháng 3 năm nay. Các nhà xuất khẩu của Mỹ trong những tháng gần đây cũng đã tăng cường hoạt động các nhà máy để tăng nguồn cung sang EU.

Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn gần đây tại một nhà ga LNG ở Texas, nơi chiếm gần 20% tổng công suất hóa lỏng của Mỹ đã làm giảm nguồn cung và giúp tăng giá ở châu Âu, vốn đang giao dịch trên 125 EUR/megawatt giờ vào ngày 22/6.

Xem thêm >> Sau Đan Mạch, tới lượt Thụy Điển phát ‘cảnh báo sớm’ vì Nga siết nguồn cung khí đốt

Theo FT
Cùng chuyên mục
Tin khác