Ngân hàng

Cạn room tín dụng dẫn tới doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau

(VNF) - Room tín dụng gần cạn có thể làm cản trở lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau, từ đó làm chậm lộ trình phát triển nền kinh tế. Vậy đâu sẽ là giải pháp tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2022?

Cạn room tín dụng dẫn tới doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau

Dòng tiền chảy chậm

Trong chương trình Dòng chảy tài chính mới lên sóng VTV1 thứ 7 tuần qua, ông Nguyễn Kim Hùng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM), đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam, đưa ra dự báo xu hướng doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau đang gia tăng đáng kể trong nền kinh tế.

“Các doanh nghiệp đang tăng trưởng bằng việc chiếm dụng dư nợ tín dụng của nhau, dư nợ có thể là 30-40 ngày trung bình trước đây, thì nay có thể kéo dài 50-60 ngày. Ngân hàng không đủ khả năng để bơm tiền (bù đắp dòng chảy tiền) cho nền kinh tế, buộc các doanh nghiệp phải chiếm dụng vốn của nhau”, ông Hùng cho biết.

Thực trạng này được nêu trong báo cáo mới phát hành của Atradius - đơn vị đứng thứ hai toàn cầu về thị phần các dịch vụ bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh và thu hộ. Theo đó, 48% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho biết đang cần thời gian trung bình dài hơn trước để chuyển hóa đơn quá hạn thành tiền mặt (Days Sales Outstanding - DSO).

Đây chính là  hiệu ứng “gợn sóng” dọc theo chuỗi, khi doanh nghiệp này không thanh toán cho doanh nghiệp khác và cứ thế lan rộng trong chuỗi giá trị sản xuất - kinh doanh. Và hậu quả là thanh khoản doanh nghiệp bị vắt kiệt, dòng tiền suy yếu, nợ xấu tăng cao và cuối cùng ảnh hưởng liên hoàn tới toàn bộ nền kinh tế.

Chương trình Dòng chảy tài chính phát sóng 21h30 Thứ 7 hàng tuần trên VTV1

“Hiện tại các khách hàng của chúng tôi chủ yếu dùng vốn vay, hoặc vốn từ ngân sách, nên việc chậm dòng tiền đối với khách hàng sẽ ảnh hưởng tới việc đặt hàng của công ty chúng tôi, so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 60-70%”, ông Chu Hoàng Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu chia sẻ về tình trạng chậm thanh toán trong chuỗi cung ứng trên Talkshow về tiền tệ cuối tuần qua.

Theo Atradius, DSO càng dài càng khiến doanh nghiệp không đủ tiền để mua nguyên vật liệu. Và trong trường hợp thời gian nhà cung ứng cho nợ tiền mua nguyên vật liệu đầu vào ngắn hơn thời gian cho khách hàng đầu ra nợ, doanh nghiệp dễ lâm vào tình trạng khánh kiệt về thanh khoản, thậm chí là phá sản.

Từ báo cáo của Atradius, có thể thấy nhu cầu vay vốn, sử dụng thấu chi ngân hàng phát sinh tại khu vực doanh nghiệp tư nhằm duy trì thanh khoản là rất lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn mức tín dụng đang dần cạn kiệt tại các ngân hàng thương mại, đâu sẽ là biện pháp tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp?

Gỡ nút thắt tín dụng

Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm, có khoảng 133.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 27% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 50% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ước đạt 9.42% so với đầu năm, trong đó tháng 5 ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao nhất (17%) so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu về vốn của doanh nghiệp trên thực tế đã tăng mạnh sau đại dịch, trong khi chỉ tiêu tín dụng của năm 2022 (14%) đã gần cạn. Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết sẽ chưa điều chỉnh hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Giải ngân vốn cho doanh nghiệp từ các ngân hàng trong nửa cuối năm theo đó sẽ chậm lại và có chọn lọc hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Để gỡ rối tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng vốn và khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại và về lâu dài, ông Hùng của VIDEM, cho rằng các doanh nghiệp đi vay trước hết cần củng cố sức khỏe tài chính nội tại, có báo cáo tài chính minh bạch, lịch sử tín dụng sạch sẽ để nâng cao khả năng được các ngân hàng thông qua các hồ sơ vay vốn.

“Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, phải làm doanh nghiệp minh bạch. Phần lớn các doanh nghiệp đi lên từ nghề, chưa minh bạch về tài chính, nhiều hộ kinh doanh còn không ghi nhận doanh thu. Từ minh bạch sẽ đi tới định giá doanh nghiệp, từ đó thu hút được các nhà đầu tư – đầu tư vốn trung-dài hạn cho doanh nghiệp, hay còn gọi là vốn chủ sở hữu…,” ông Hùng chia sẻ.

Chương trình Dòng chảy tài chính phát sóng 21h30 Thứ 7 hàng tuần trên VTV1

Ngoài ra, các luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam, theo vị chuyên gia này, cần đi vào thực tế để hậu thuẫn cộng đồng SME tiếp cận được các quỹ hỗ trợ, nguồn vốn phát triển.

Trong khi đó, đối với cơ quan quản lý, ông Hùng cho rằng NHNN không nên cứng nhắc với room tín dụng mà nên cân nhắc giữa tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đó có thể xem xét tình hình phát triển kinh tế thực tế để nới room tín dụng thêm 2 điểm phần trăm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, hạn chế việc doanh nghiệp phải tìm nguồn vốn phi chính thức để phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh.

Tin mới lên