Ngân hàng

Cấp tín dụng online: Ngân hàng lúng túng, lo rủi ro

(VNF) - Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), bà Nguyễn Thị Phương cho biết các tổ chức tín dụng rất lúng túng và gặp khó khăn trong triển khai, hướng dẫn áp dụng các phương tiện điện tử trong việc cấp tín dụng để vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

Cấp tín dụng online: Ngân hàng lúng túng, lo rủi ro

Toàn cảnh tọa đàm "Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng" do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực triển khai hoạt động điện tử và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng điện tử sớm nhất nhất thông qua các quy định về nghiệp vụ thẻ, ATM, dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking. Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng 4.0, khi công nghệ ngày càng phát triển và đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt, các tổ chức tín dụng đã nêu lên nhiều vướng mắc về pháp lý khi áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngân hàng.

Tại tọa đàm "Thực trạng giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay và kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, đại diện của nhiều ngân hàng TMCP nói riêng cũng như các tổ chức tín dụng nói chung đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi các thông tư như Thông tư 07, Thông tư 13, Thông tư 35,…

Trong đó, một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều đại diện ngân hàng TMCP đề cập là chữ ký điện tử.

Cụ thể, ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho rằng yêu cầu về chữ ký điện tử không rõ ràng, mang tính định tính dẫn đến các bên khó xác định được chữ ký đúng quy định và có giá trị pháp lý. Hay các quy định về điều kiện xác định chữ ký điện tử được xem là an toàn cũng là một trong các vướng mắc được đề cập đến.

Để khắc phục những vướng mắc này, ông Long kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi quy định về “chữ ký điện tử”; bỏ quy định yêu cầu các bên tham gia giao dịch phải có “chữ ký điện tử” theo quy định pháp luật giao dịch điện tử; sửa đổi quy định về “ký kết” thỏa thuận, hợp đồng” thành “giao kết” thỏa thuận, hợp đồng.

Ngoài ra, chữ ký điện tử cũng là một trong những vấn đề khi áp dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ cấp tín dụng.

Theo đó, nhu cầu cung cấp dịch vụ tín dụng trên kênh số đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có mục đích tiêu dùng là rất lớn, giúp khách hàng tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, giúp đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng và tổ chức tín dụng do các vướng mắc về chữ ký điện tử; việc thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu chuẩn này.

Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), bà Nguyễn Thị Phương cho biết các tổ chức tín dụng rất lúng túng và gặp khó khăn trong triển khai, hướng dẫn áp dụng các phương tiện điện tử trong việc cấp tín dụng để vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa đáp ứng nhu cầu kinh doanh.

“Với khuôn khổ pháp lý như hiện tại, nếu các tổ chức tín dụng vẫn quyết tâm làm và mạnh dạn triển khai thì sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro”, bà Phương cho biết.

Đại diện BIDV kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 07, Thông tư 13 để tạo hành lang pháp lý trong việc cấp tín dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp tín dụng; cho phép tổ chức tín dụng sử dụng hệ thống công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn để hệ thống thẩm định, phê duyệt, giám sát sau đối với các khoản vay tiêu chuẩn, có giá trị nhỏ và được đảm bảo bằng sổ, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành.  

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết đã tổng hợp thành 6 nhóm vấn đề cần được báo cáo Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp tháo gỡ.

Thứ nhất là nhóm vấn đề về định danh, xác thực khách hàng, xác thực giao dịch. Thứ hai là nhóm về chữ ký điện tử, giao dịch điện tử, dữ liệu điện tử.

Thứ ba là nhóm về hoạt động nghiệp vụ ngân hàng điện tử, bao gồm nghiệp vụ cấp tín dụng, phát hành giấy tờ có giá, mở và sử dụng tài khoản thanh toán cho người nước ngoài là người cư trú, người không cư trú và sử dụng tài khoản liên quan đến quy định ngoại hối,…

Thứ tư là nhóm về vấn đề trích lập dự phòng và xử lý dự phòng rủi ro hoạt động công nghệ thông tin, ngân hàng điện tử. Thứ năm là nhóm về khai thác, sử dụng dữ liệu và cuối cùng là nhóm về cơ chế chính sách để thích ứng linh hoạt, an toàn đối với hoạt động ngân hàng điện tử.

Tin mới lên