Câu chuyện M&A: 'Cây đũa thần' của HDBank

Minh An - 25/01/2020 10:07 (GMT+7)

(VNF) - Nói về chiến lược phát triển và củng cố thương hiệu của HDBank, Phó tổng giám đốc Lê Thành Trung lập tức đưa ra từ khoá “M&A” (mua bán, sáp nhập). Ông Trung cho rằng M&A chính là sở trưởng của HDBank, đã giúp ngân hàng nhanh chóng phủ sóng đến 63 tỉnh/thành trên cả nước và vươn ra thị trường thế giới.

VNF

Ông Lê Thành Trung tiết lộ, M&A cũng chính là “cây đũa thần” giúp HDBank vươn lên từ vị trí thứ 14 về mức độ nhận biết thương hiệu năm 2015 lên top 7 hiện nay, xét trên toàn hệ thống ngân hàng bao gồm các định chế big four.

“Chiến lược M&A với tầm nhìn độc đáo, năng lực triển khai hiệu quả đã trở thành nét đặc trưng của HDBank trong mắt các chuyên gia tài chính ngân hàng. Tiếp tục xác định đây là công cụ tăng trưởng hiệu quả trong chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ và SMEs dẫn đầu, HDBank sẽ nhận sáp nhập PG Bank. Kế hoạch này nhận được sự đồng thuận cao từ cổ đông hai ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng khác”, ông Lê Thành Trung cho biết.

Hồi cuối tháng 11/2019, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – cổ đông lớn nhất đang nắm 40% cổ phần tại PGBank, lãnh đạo tập đoàn cho biết các bên đã đặt mục tiêu nhận được phê duyệt cuối cùng đối với đề xuất sáp nhập PGBank vào HDBank trong tháng 6/2020.

Theo các chuyên gia, nếu sáp nhập thành công, HDBank sẽ có sự “thoát xác” để tiến tới một trong những ngân hàng Top 10 Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2013, HDBank đã sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn công ty tài chính nước ngoài SGVF (Société Générale - thuộc tập đoàn tài chính Pháp).

Thương vụ với SGVF đã giúp HDBank đánh dấu cột mốc lần đầu tiên một ngân hàng Việt mua lại 100% vốn công ty tài chính nước ngoài 

Theo ông Lê Thành Trung, đây là bước đi khai phá, đặt nền tảng để HDBank thâm nhập mảng thị trường tài chính bán lẻ trị giá 6 tỷ USD tại Việt Nam. Ông Trung cho biết HDSAISON hiện là 1 trong 3 công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam và là công ty tài chính có mạng lưới lớn nhất.

Cũng với 2 thương vụ trên, HDBank đã dành giải thưởng “Doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu nhất thập kỷ” của Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 10.

“M&A, với HDBank vừa là sở trường vừa là nghệ thuật. Hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập nhanh chóng đi vào ổn định và tăng trưởng vượt bậc, bình quân 30%/năm trong giai đoạn 2013–2017. Tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp nhất toàn ngành. Sau 6 năm, từ top 30, HDBank đã vươn lên top những ngân hàng thương mại dẫn đầu tại Việt Nam”, ông Lê Thành Trung thông tin. 

Phó tổng giám đốc HDBank chia sẻ thêm rằng nhờ M&A, HDBank đã xây dựng được hệ sinh thái độc đáo và tiên phong trên thị trường để gắn kết với khách hàng thuộc phân khúc tài chính tiêu dùng bán lẻ, khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đến năm 2021, HDBank định hướng trở thành ngân hàng hàng đầu về SMEs, bán lẻ và tiêu dùng và phục vụ 15 triệu khách hàng doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục
Tin khác