CEO Viettel Post: 'Cùng lúc ra Vỏ sò và MyGo, mạo hiểm thật nhưng chúng tôi thích thử thách'

Duy Vũ - 01/07/2019 09:12 (GMT+7)

Gây bất ngờ khi tuyên bố ra mắt ứng dụng gọi xe MyGo và sàn thương mại điện tử Vỏ sò cùng một thời điểm nhưng Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết đây không phải là một quyết định có tính chất thời điểm mà đã được “thai nghén” từ 3 năm trước, khi Viettel Post muốn chuyển mình thành một công ty công nghệ.

Đầu tháng 6, Viettel Post đã thử nghiệm ứng dụng gọi xe MyGo trong bất ngờ của nhiều người. Không lâu sau, cùng với MyGo, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vỏ sò được tuyên bố ra mắt ngày 1/7.

“Hai dự án này đã được suy nghĩ một cách thấu đáo và được quan tâm rất lâu. Đến thời điểm này đã 3 năm rồi, chứ không phải đến thời điểm thị trường phát triển mà chúng tôi đi theo”, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc ViettelPost đã không ngần ngại trả lời câu hỏi “Tại sao Viettel Post lại tham chiến ở hai thị trường khó nhằn này trong một cuộc phỏng vấn với ICTnews ngay trước thời điểm MyGo và Vỏ Sò chính thức ra mắt.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post

Dẫn giải sâu hơn, vị lãnh đạo này chia sẻ rằng Viettel Post có kế hoạch chuyển từ công ty chuyển phát truyền thông sang một công ty công nghệ từ 7/2016, tại dịp kỷ niệm 20 năm và cả MyGo, Vỏ sò đều nằm trong kế hoạch. “Dự án này đã được nghiên cứu một cách rất nghiêm túc. Cách đây ba năm chúng tôi đã bắt tay vào làm, tuy nhiên do nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến chậm hơn dự kiến”, ông Trần Trung Hưng chia sẻ.

Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) hiện được biết đến là một trong những công ty có thị phần chuyển phát lớn nhất tại thị trường hiện nay. Việc hoạt động thêm cả sàn TMĐT và ứng dụng gọi xe không chỉ giúp doanh nghiệp này tận dụng được nguồn lực sẵn có mà còn có thể tạo ra một hệ sinh thái khép kín để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Theo ông Trần Trung Hưng: “Hai platform này là hệ sinh thái cho khách hàng của Viettel, có nghĩa nó sẽ giúp đỡ cho chính dịch vụ chuyển phát cốt lõi. Với Voso, nó sẽ giúp cho khách hàng bán được nhiều hàng hơn, có kênh bán hàng tốt hơn. Còn đối với Mygo, nó sẽ giúp cho chúng tôi có một hệ thống platform đơn giản, giao hàng nhanh nhất, cho nên hai platform này vừa là hệ sinh thái chung cho Viettel, đồng thời cũng là 2 platform chung như chính đôi chân của 1 vận động viên. Bạn không thể 1 chân chạy và 1 chân đi bộ được”.

Rõ ràng, lãnh đạo Viettel Post cho biết hai nền tảng này nằm trong hệ sinh thái không thể thiếu được của Viettel Post khi tạo ra và hỗ trợ khách hàng có thêm một kênh bán hàng hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn. Đồng thời, nếu số lượng bán hàng tăng lên thì cần phải có tốc độ giao hàng nhanh nhất.

“Đây chính là chiến lược của Viettel Post: hãy tập trung vào lợi ích cho khách hàng, cho nên hai sản phẩm này ra đồng thời là như vậy”.

Cùng lúc ra Vỏ sò và MyGo: "Mạo hiểm nhưng chúng tôi thích thử thách"!

Trước câu hỏi của phóng viên về việc cùng lúc ra mắt MyGo và Vỏ sò tại 63 tỉnh, thành trên cả nước có mạo hiểm hay không? lãnh đạo Viettel Post nói rằng: “Đương nhiên là tôi có mường tượng đến những khó khăn này. Mọi người thấy các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam có yếu tố nhà nước tuyệt đối không được lỗ. Đấy là khó khăn nhất. Còn các doanh nghiệp khác có lỗ thì chẳng sao, còn doanh nghiệp nhà nước tất nhiên không thể lỗ đc. Đó là cái khó khăn đầu tiên, nó dẫn đến là mình có dám làm nữa không? Điều cản trở đầu tiên là nó sẽ kéo đi sự mạo hiểm của mình và khi đó khả năng mở rộng thị trường hoặc sự thành công sẽ khó”.

Ông Trần Trung Hưng cũng cho biết khó khăn nữa mà doanh nghiệp này phải đối mặt là thị trường TMĐT và gọi xe đều rất mới, chưa có một hành lang pháp lý nào thực sự rõ ràng cho 2 thị trường này.

“Nếu Viettel Post bây giờ cầm nhiều tiền đổ vào marketing và chấp nhận cuộc chơi khô máu, rõ ràng sẽ vấp phải 2 vấn đề: Bưu chính không đủ tiền như các công ty nước ngoài; thứ 2 là ngày mai thôi lợi nhuận của Bưu chính sẽ “âm” ngay lập tức vì theo thông báo thì họ đã đầu tư đến cả nghìn tỷ. Khó khăn thứ 3 là Viettel Post bản chất là đi sau, nếu như các doanh nghiệp kia vẫn tiếp tục khuyến mại một cách lâu dài, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không trụ vững được. Đến khi các doanh nghiệp Việt Nam rời bỏ thị trường, không còn sức để chiến đấu thì lại quay lại câu chuyện không có cái gì đảm bảo rằng các doanh nghiệp nước ngoài đó vẫn mang lại lợi ích, mang lại giá trị cho người Việt Nam. Đây chính là khó khăn thành công trong dài hạn. Đó là điều Viettel phải nghĩ đến, sẽ chỉ thành công trong dài hạn, không thể ngắn hạn được. Và cái dài hạn đó nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, thậm chí là rủi ro”.

Đó là chưa kể đến hành lang pháp lý tại Việt Nam hiện nay còn chưa có sự cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước; doanh nghiệp Việt cũng không đủ tiềm lực để có thể có cuộc cạnh tranh mang tính dài hạn.

Thế nhưng, Viettel Post cũng như các doanh nghiệp nội cũng có nhiều điểm thuận lợi. “Thứ nhất, sản phẩm dịch vụ này do người Việt Nam tạo ra và đặc biệt là do những người Việt Nam ở nước ngoài có khát vọng xây dựng ra các sản phẩm phục vụ cho người Việt. Tôi hy vọng rằng đã là sản phẩm Việt Nam thì thị trường người Việt sẽ ủng hộ hơn đối với Việt Nam nước ngoài.  Thứ 2 là do thị trường đã được khai phá rồi, và Viettel đã tham gia, mặc dù chậm nhưng cố gắng. Thứ 3, các sản phẩm dịch vụ của Viettel ra thị trường đang được đánh giá tốt và đối với 1 sản phẩm dịch vụ mới ra thị trường thì điều quan trọng nhất là niềm tin, và khách hàng đang có rất nhiều niềm tin vào Mygo và Vỏ sò”, Tổng Giám đốc Viettel Post phân tích. 

Xem thêm: Viettel Post: Phó Chủ tịch đã bán gần hết cổ phiếu, thu về hàng trăm tỷ đồng

Theo ICTnews
Cùng chuyên mục
Tin khác