Công nghệ

'Cha đẻ' vaccine ngừa Covid-19 nhận giải VinFuture 3 triệu USD

(VNF) - Giải thưởng chính của VinFuture trị giá 3 triệu USD được trao cho 3 nhà khoa học, gồm: Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis với công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người".

'Cha đẻ' vaccine ngừa Covid-19 nhận giải VinFuture 3 triệu USD

VinFuture vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu vaccine mRNA.

Tối 20/1, tác giả của các công trình nghiên cứu, gồm: công nghệ gốc vaccine mRNA; vật liệu khung cơ-kim (MOFs); vật liệu điện tử hữu cơ có tính năng như da người và công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS đã được vinh danh tại lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất.

Theo đó, giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 3 nhà khoa học, gồm: Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) với công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.

Công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ.

Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer-BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng chống Covid -19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.

Không chỉ tạo ra vũ khí ngăn chặn nguy cơ lây lan và tử vong do đại dịch trên phạm vi toàn cầu, công nghệ mRNA còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư, miễn dịch và các bệnh di truyền…có thể bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người trên thế giới trong tương lai.

Cùng với giải thưởng chính là 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu trong các lĩnh vực mới; nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Đầu tiên, hạng mục giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs). MOFs là một loại vật liệu mới bao gồm các liên kết hữu cơ tích điện và các ion kim loại, có độ xốp vĩnh viễn, sự ổn định ấn tượng trên diện tích bề mặt lớn.

Với kích thước lỗ xốp có thể điều chỉnh tạo thành mạng lưới 3D, cho phép hấp thụ và lưu trữ các phân tử khí và nước, MOFs tạo ra giải pháp thu nhận, lưu trữ, phân tách và kiểm soát thành phần hoá học của nhiều loại khí và phân tử, có khả năng làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí, nguồn năng lượng và nguồn nước sạch hơn.

Đặc biệt, máy thu nước MOF của giáo sư Yaghi có tiềm năng cung cấp nước sạch từ không khí. Nếu được ứng dụng thành công, vật liệu mới MOFs sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người đang sinh sống tại những nơi khan hiếm nguồn nước sạch, giúp tự chủ về nguồn nước và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Giải dặc biệt thứ 2 dành cho nhà khoa học nữ đã được trao cho giáo sư Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Đây là một loại vật liệu hữu cơ cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người với khả năng co giãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học.

Những chức năng trên rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển thuộc về vợ chồng nhà khoa học đến từ Nam Phi, giáo sư Salim Abdool Karim và giáo sư Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS.

Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực dịch tễ, hai nhà khoa học đã phát triển một loại gel có chứa dược chất tenofovir giúp kháng virus HIV và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karim cũng tạo ra thuốc dạng uống nhằm thiết lập chiến lược phòng ngừa HIV đặc biệt dành cho phụ nữ trẻ và nữ vị thành niên và hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu của vợ chồng giáo sư Karim đã được UNAIDS và WHO công nhận là đột phá khoa học quan trọng, có tác động to lớn đến nỗ lực ngăn ngừa đại dịch thế kỷ tại châu Phi và trên toàn thế giới.

Quỹ VinFuture là quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

Vào Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12/2020), Quỹ VinFuture đã thành lập giải thưởng khoa học, công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture.

Hệ thống giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD và là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới; 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 đô USD dành cho các nhà khoa học nữ; các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

VinFuture năm nay ghi nhận sự tham gia của 60 quốc gia ở 6 châu lục, trong đó số lượng dự án đến từ Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu chiếm 52,6%. Việt Nam cũng có sự tham gia ấn tượng với 17 dự án.

Tin mới lên