Nhân vật

Chân dung nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc, người muốn chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam

(VNF) - Như VietnamFinance đã đề cập, Giáo sư Trần Văn Thọ và nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc đã bày tỏ tâm nguyện chuyển giao công nghệ để sản xuất 2.000 máy thở cho Việt Nam. Hành động này đã khiến cho nhiều người Việt hết sức cảm kích, trong bối cảnh Việt Nam đang gồng mình chống dịch Covid 19.

Chân dung nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc, người muốn chuyển giao công nghệ sản xuất máy thở cho Việt Nam

Nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc

Cụ thể, trong cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Thủ tướng cho biết Giáo sư Trần Văn Thọ và nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc, người phát minh ra máy trợ thở cho trẻ sinh non ở Nhật Bản đã tuyên bố sẽ hợp tác sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở cho Việt Nam. 

Để chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo việc thiết kế và dự toán để sẵn sàng xây dựng các bệnh viện dã chiến khi cần thiết cũng như chương trình sản xuất máy trợ thở trong nước.

Giáo sư Trần Văn Thọ là chuyên gia đã được biết đến nhiều tại Việt Nam, nhưng nhà sáng chế Trần Ngọc Phúc là ai?

Theo tìm hiểu, ông Trần Ngọc Phúc Sinh năm 1947 trong một gia đình khá giả gần Huế. Qua Nhật du học năm 1968 bằng chi phí của cha mẹ. Tốt nghiệp kỹ sư đại học Tokai University, thực tập tại công ty Senko Medical Instrument Mfg. Co. Ltd và sau đó trớ thành nhân viên chính thức .

Theo đuổi giấc mơ, ông Phúc đã phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO) cho trẻ em sơ sinh và các cháu sinh thiếu tháng. Năm 1982, ông phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Hummingbird đã vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức.

Trước khi có Hummingbird, 90% trẻ sinh non tại Nhật Bản tử vong; sau khi có chiếc máy này, 99,7% trẻ sinh non được cứu sống. Có thể nói phát minh năm 1982 của người Việt Nam sống tại Nhật Bản - Trần Ngọc Phúc đã tạo ra bước ngoặt. Vô cùng tự hào và hãnh diện.

Được chọn là một trong 300 METI's công nghiệp sản xuất của Nhật bản - Monozukuri (manufacturing) SMEs (2007)
Nhận bằng tưởng thưởng "the 5th Shibusawa Eiich Venture Dream Award".

Năm 1984, ông sáng lập Công ty Metran, giữ chức vụ tổng giám đốc và sau này là chủ tịch. Tháng 7/2012, Nhật hoàng Akihito đã ghé thăm Công ty Metran.

Năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy thở Hummingbird do công ty của ông tài trợ. Tháng 11/2018, ông nhận Huân chương Mặt trời mọc tia sáng bạc. Ông hiện là hội trưởng Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản.

Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc nói về chiếc máy thở của ông trong một chương trình truyền hình trên VTV. Ảnh TL

Ông Phúc cho hay đã thành lập ba công ty ở Việt Nam, trong đó một công ty làm phần mềm cho ngành y, còn một công ty chuyên sản xuất máy thở tại Việt Nam và xuất khẩu. Cuối năm 2019, ông đã ký hợp đồng với một công ty ở TP.HCM để phân phối sản phẩm này.

"Doanh nghiệp thì luôn phải quan tâm đến lợi nhuận. Cá nhân tôi lại quan tâm sản phẩm tôi làm ra có lợi cho bệnh nhân hay không. Trong quá trình khởi nghiệp, tôi hiểu khởi nghiệp rất dễ, giữ nghiệp mới khó nên phải tìm ra được người cùng chí hướng, ủng hộ mình để sống còn. Tôi cũng nghĩ khởi nghiệp không nên là phong trào", ông chia sẻ.

PGS.TS Ngô Minh Xuân - hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ giai đoạn 2008-2012 - nói ông và nhiều bác sĩ của khoa sơ sinh biết đến ông Trần Ngọc Phúc và Công ty Metran từ rất lâu.

Cách đây nhiều năm, bệnh viện đã sử dụng máy giúp thở Metran, loại máy thở cao tần số không chỉ hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhi mà giá thành còn hợp lý, gần như thấp nhất trong các loại máy thở lúc đó.

Từ khi được trang bị, máy giúp bệnh viện cứu sống rất nhiều bé sơ sinh non tháng và cực non. Đa số các bé sau đó đều có sức khỏe bình thường, thậm chí có bé phát triển rất tốt.

Tính đến sáng 31/3, Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, nâng số ca nhiễm lên gần 800.000, trong đó gần 38.000 người đã chết.

Thế giới ghi nhận 782.034 ca nhiễm nCoV và 37.609 người chết tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu chiếm khoảng 2/3 số ca tử vong với 26.674 người chết được ghi nhận. Italy là nước báo cáo số ca tử vong lớn nhất với 11.591 người.

Tin mới lên