‘Chất lượng kết luận thanh tra còn thấp, không cá thể hoá được trách nhiệm'

Minh An - 24/10/2018 17:05 (GMT+7)

(VNF) - “Tại một số bộ, ngành, địa phương, chất lượng kết luận thanh tra còn thấp, ít có kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách; việc kiến nghị xử lý trách nhiệm còn thiếu cụ thể; không cá thể hoá được trách nhiệm, nhất là đối với các vụ việc tham nhũng”, báo cáo về việc theo dõi tình hình thực thi pháp luật năm 2018 của Thanh tra Chính phủ nêu.

VNF
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo về việc theo dõi tình hình thực thi pháp luật năm 2018

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo về việc theo dõi tình hình thực thi pháp luật năm 2018 – với trọng tâm là việc thi hành pháp luật về kết luận thanh tra (KLTT) và thực hiện KLTT.

Báo cáo của TTCP chỉ rõ: “Tại một số bộ, ngành, địa phương, chất lượng kết luận thanh tra còn thấp: ít có kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách; việc kiến nghị xử lý trách nhiệm còn thiếu cụ thể; không cá thể hoá được trách nhiệm, nhất là đối với các vụ việc tham nhũng”.

Cùng với đó, nhiều KLTT hành chính chưa quan tâm đến xác định trách nhiệm trong quản lý điều hành; nhiều KLTT chuyên ngành chưa chỉ ra các sai phạm cụ thể. Một số KLTT của các bộ, ngành, địa phương bị khiếu nại.

Cụ thể, Bộ tài chính có 5 KLTT bị khiếu nại, Bộ Quốc phòng có 1 KLTT bị khiếu nại và thành phố Đà Nẵng có 2 KLTT bị khiếu nại. Các tỉnh Hải Phòng, Phú Thọ, Lào Cai, Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến tre  có 1 KLTT bị khiếu nại.

Báo cáo cho hay: “Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của KLTT. Trên thực tế, nhiệm vụ hậu kiểm KLTT, quyết định xử lý về thanh tra vẫn còn là mới mẻ, ít được thực hiện, cách thức thực hiện chưa thống nhất, hầu hết chưa được đầu tư bài bản về nghiệp vụ, tổ chức và cán bộ”.

Đồng thời, việc công khai KLTT được quy định tại Khoản 2, Điều 39 Luật thanh tra và Điều 46 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP.

Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện nay, các hình thức công khai KLTT chủ yếu là công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Riêng việc công khai KLTT theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 46 Nghị định số 86/2011-NĐ-CP thì hình thức chủ yếu là niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

Việc công bố KLTT trên các phương tiện thông tin đại chúng ít được thực hiện, và gặp nhiều lúng túng trong trường hợp KLTT liên quan đến nhiều đối tượng, với nhiều nhóm nội dung khác nhau, nhất là các nội dung được xem là “nhạy cảm”.

Đặc biệt, “công khai KLTT thông qua họp báo rất ít được lựa chọn do trong nhiều trường hợp KLTT chưa thực sự chính xác”, Thanh tra Chính phủ nêu vấn đề.

Về nội dung KLTT, hiện tại, Luật Thanh tra chưa quy định về nội dung khuyến nghị, cảnh báo trong KLTT.

Theo Thanh tra Chính phủ, điều này gây khó khăn cho các cơ quan thanh tra/giám sát ngân hàng khi theo dõi việc thực hiện KLTT. Bởi lẽ, với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thực hiện phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro/đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro nên các KLTT thường có các khuyến nghị, cảnh báo đối tượng thanh tra về khả năng tiềm ẩn rủi ro và khuyến nghị việc áp dụng nâng mức xếp hạng rủi ro.

Cùng chuyên mục
Tin khác