Châu Âu ‘chia rẽ’ vì động thái liên quan tới Trung Quốc

Đăng Phạm - 26/09/2023 09:24 (GMT+7)

(VNF) - Trong khi Pháp thúc đẩy mạnh mẽ cuộc điều tra chống trợ cấp với ô tô giá rẻ từ Trung Quốc thì một vài nhà lãnh đạo Đức lo ngại những đòn trả đũa tiềm tàng từ phía Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho các tập đoàn ô tô của nước này.

VNF
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong rời cuộc họp báo chung sau Đối thoại Kinh tế và Thương mại Cấp cao Trung Quốc-EU lần thứ 10.

EU cảnh báo sẽ “quyết đoán hơn” về thương mại công bằng

Trong chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis, nhấn mạnh rằng khối này sẽ mạnh mẽ hơn trong việc duy trì cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích của mình.

“Việc thiếu sự có đi có lại và sân chơi bình đẳng từ Trung Quốc, cùng với những thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, đã buộc châu Âu trở nên quyết đoán hơn. EU hoan nghênh sự cạnh tranh. Nó làm cho các công ty của chúng tôi mạnh mẽ hơn và đổi mới hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh phải công bằng và chúng tôi sẽ quyết đoán hơn trong việc đối phó với sự bất công”, ông Dombrovskis cho hay.

Chuyến đi của ông Dombrovskis nhằm tăng cường các biện pháp phòng thủ thương mại mà EU có. Khối này hồi đầu tháng đã phát động một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện giá rẻ của Trung Quốc, cho rằng điều này là cần thiết để bảo vệ việc làm và chuỗi cung ứng trong nước.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích cuộc điều tra đó là “hành động bảo hộ trắng trợn”.

“Trung Quốc là đối tác hợp tác quan trọng của EU. Đóng cửa với Trung Quốc dưới danh nghĩa giảm rủi ro là vứt bỏ các cơ hội hợp tác, ổn định và phát triển”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 25/9 khi được hỏi về những cáo buộc rằng nước này đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng.

Trong bài phát biểu của mình, ông Dombrovskis lập luận rằng chiến lược giảm thiểu rủi ro của EU không mang tính bảo hộ. “Cách tiếp cận của chúng tôi đối với an ninh kinh tế là phù hợp và chính xác, và hành động của chúng tôi sẽ hoàn toàn dựa trên rủi ro. Do đó, giảm thiểu rủi ro là một chiến lược để duy trì sự cởi mở của chúng tôi, nhưng không làm suy yếu nó”, ông Dombrovskis nhấn mạnh thêm.

Các cuộc đàm phán hiện tại giữa quan chức EU và Trung Quốc được xem là bước đệm cho hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vào cuối năm nay.

“Chúng ta có thể chọn con đường hướng tới mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Một nền tảng dựa trên thương mại và đầu tư cởi mở, công bằng, đồng thời chung tay giải quyết những thách thức lớn của thời đại”, ông Dombrovskis tuyên bố hôm 25/9.

“Hoặc, chúng ta có thể chọn một con đường dần dần tách chúng ta ra xa nhau. Nơi mà những lợi ích chung mà chúng ta được hưởng trong những thập kỷ gần đây suy yếu và mờ nhạt. Và kết quả là người dân và nền kinh tế của chúng ta phải đối mặt với ít cơ hội hơn”, Ủy viên Thương mại EU nhấn mạnh thêm.

Ý kiến trái chiều

Trong những bình luận hết sức thẳng thắn trong một cuộc thảo luận ở Berlin hồi cuối tuần trước, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận rằng có sự chia rẽ giữa Pháp và Đức về cuộc điều tra chống trợ cấp với ô tô điện Trung Quốc.

Theo Politico, cuộc điều tra được Chủ tịch EC Leyen công bố hồi đầu tháng này có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới của khối này với nền kinh tế thứ hai thế giới.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck.

Điều này khiến các nhà sản xuất ô tô Đức lo ngại rằng họ có thể bị trả đũa nếu EU áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc.

Theo ông Habeck, Pháp, quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ cuộc điều tra của EU với xe điện Trung Quốc, đang bán được ít ô tô ở Trung Quốc hơn nhiều so với các nhà sản xuất ô tô Đức và do đó sẽ ít thiệt hại hơn nếu căng thẳng leo thang dẫn tới các đòn “ăn miếng trả miếng” tiềm tàng với Bắc Kinh về thuế ô tô.

Bộ trưởng kinh tế Đức cho biết ô tô Đức hiện được bán rất chạy ở Trung Quốc, do đó “ngành công nghiệp ô tô Đức lo sợ là đúng”.

“Chúng tôi lo ngại các đòn đáp trả nếu EC tìm thấy bằng chứng cho sự viện trợ bất hợp pháp của chính quyền Bắc Kinh và sau đó áp đặt thuế chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc”, ông Habeck nói.

Ông lập luận rằng "đối với Pháp, đó không phải là vấn đề vì họ không bán nhiều ô tô trên thị trường Trung Quốc”, và đó chính là lý do tại sao Berlin và Paris "có những góc độ khác nhau" khi đánh giá tác động và hậu quả của lệnh chống trợ cấp của EU.

“Rất, rất khó để dung hòa những quan điểm khác nhau này lại với nhau”, ông Habeck thừa nhận.

Trước đó, một vài quan chức của ngành công nghiệp ô tô Đức còn cho rằng các nhà sản xuất ô tô Pháp đang coi đây là cơ hội để gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh Đức của họ. Tuy nhiên, nhận xét của ông Habeck ghi nhận lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Đức công khai thừa nhận sự chia rẽ như vậy.

Dù vậy, ngay sau khi bà Leyen công bố việc điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện giá rẻ đến từ Trung Quốc, Thứ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies cho rằng cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với ô tô Trung Quốc là “hoàn toàn bình thường” và “hoàn toàn hợp pháp”. Tuy nhiên, ông Kukies nhấn mạnh rằng cuộc điều tra như vậy phải tôn trọng “các tiêu chuẩn rất cao”.

Khi được hỏi về khả năng trả đũa từ Trung Quốc sau cuộc điều tra, ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, khẳng định rằng cả châu Âu và Bắc Kinh đều có “lợi ích rất sâu sắc” trong việc cố gắng giải quyết vấn đề trước khi đạt đến mức áp đặt thuế quan trừng phạt.

Xem thêm >> Nga ‘giáng đòn kép’ vào nỗ lực của phương Tây

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.