Châu Âu nỗ lực ngăn Trung Quốc thâu tóm

Văn Khoa - 12/08/2018 08:50 (GMT+7)

Nhiều nước châu Âu đang tăng cường biện pháp bảo vệ tài sản kinh tế quốc gia trước tham vọng thâu tóm công ty nước ngoài của Trung Quốc.

VNF
Doanh nghiệp Trung Quốc Midea mua Công ty Kuka của Đức với giá 4,5 tỷ euro. Ảnh: Bloomberg

Trong bài bình luận trên website của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR) hôm qua, 2 chuyên gia Mathieu Duchâtel và Angela Stanzel cho hay EU đang xem xét thông qua dự luật mới siết chặt các quy định về đầu tư.

Động thái này được kỳ vọng có thể giúp ngăn chặn làn sóng thâu tóm ồ ạt từ Trung Quốc nhắm vào doanh nghiệp châu Âu. Theo ông Duchâtel và bà Stanzel, trước cuối năm nay, 4 nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Anh, Đức, Pháp và Ý đều sẽ có các bước đi phòng vệ quan trọng.

Trong đó, chính phủ Đức đang gia tăng can thiệp ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt ở những công ty liên quan đến cơ sở hạ tầng trọng yếu, theo tờ Financial Times. Hồi tháng trước, chính quyền Berlin chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước KfW mua 20% cổ phần của 50Hertz Transmission GmbH, một trong những công ty vận hành mạng lưới điện lớn nhất ở Đức. Điều này có nghĩa kế hoạch thu mua 50Hertz của Công ty mạng điện quốc gia Trung Quốc đã thất bại.

Không lâu sau, với lý do an ninh, Berlin tiếp tục ngăn Tập đoàn Trung Quốc Yantai Taihai Group mua Leifeld Metal Spinning, hãng sản xuất kim loại sử dụng trong ngành hạt nhân và không gian vũ trụ của Đức.

Theo quy định trước đây, chính phủ Đức có thể phủ quyết những thỏa thuận liên quan việc một công ty ngoài EU mua ít nhất 25% cổ phần của doanh nghiệp nước này nếu chứng minh được thương vụ đó “gây nguy hiểm cho trật tự xã hội hoặc an ninh”. Tuy nhiên, các bộ trưởng Đức giờ đây muốn hạ ngưỡng có thể phủ quyết xuống còn 15% nhằm “kiểm soát các thỏa thuận mua bán và sáp nhập trong những ngành nhạy cảm”, tờ DW dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier cho hay.

Khuynh hướng bảo hộ ngành công nghiệp gia tăng ở Đức kể từ năm 2016, thời điểm công ty hàng gia dụng Trung Quốc Midea mua lại Kuka, doanh nghiệp chế tạo robot hàng đầu ở Đức, với giá 4,5 tỷ euro.

Tương tự, Anh thông báo chính sách nâng cao quyền hạn của chính phủ trong việc ngăn chặn công ty nước ngoài mua lại các tài sản nhạy cảm về an ninh còn chính phủ Pháp dự kiến trình quốc hội những biện pháp mới nhằm bảo vệ tài sản quốc gia mang tính chiến lược.

Về phần mình, Ý mở rộng hệ thống kiểm soát đầu tư nước ngoài không còn gói gọn trong ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh mà bao phủ cả các ngành công nghệ nói chung. Những động thái tương tự cũng đang được tiến hành ở Mỹ, Canada, Nhật Bản và Úc, theo 2 chuyên gia Duchâtel và Stanzel.

Theo TNO
Cùng chuyên mục
Tin khác