Chỉ số CPI lõi của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm

Hạnh Nguyễn - 14/10/2022 12:02 (GMT+7)

(VNF) - Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13/10, chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI), không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1982.

Chỉ số giá tiêu dùng chung đã tăng 0,4% trong tháng trước và tăng 8,2% so với một năm trước đó.

Sau báo cáo chỉ số việc làm được công bố vào tuần trước, dữ liệu lạm phát có thể củng cố mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed và thúc đẩy suy đoán về mức tăng thứ 5 liên tiếp với quy mô đó trong tháng 12. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng mạnh, với lãi suất 30 năm chạm mức 4%, cao nhất kể từ năm 2011.

Lạm phát lõi của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1982 vào tháng 9/2022.

Báo cáo nhấn mạnh mức độ lạm phát cao đã lan rộng khắp nền kinh tế, buộc nhiều người dân Mỹ phải dựa vào tiền tiết kiệm và thẻ tín dụng để theo kịp. 

Mặc dù vậy, thị trường lao động và nhu cầu của người tiêu dùng vẫn cho thấy dấu hiệu hồi phục nhanh chóng. Tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức thấp nhất trong 5 thập kỷ vào tháng 9, các doanh nghiệp tiếp tục tăng lương để thu hút và giữ chân nhân viên.

Báo cáo cũng cho thấy các chỉ số về thực phẩm, y tế tăng cao nhất. Trong khi đó, giá xăng và giá ô tô cũ giảm nhẹ, tuy nhiên, giá ô tô mới tiếp tục tăng cao ngất ngưởng.

Chi phí nhà ở, thành phần dịch vụ lớn nhất và chiếm khoảng một phần ba tổng chỉ số CPI, đã tăng 0,7%. Chi phí thực phẩm tăng 0,8%, cao hơn 11,2% so với một năm trước.

CPI lõi của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm.

"Chỉ số CPI cao hơn dự kiến ​​sẽ khiến Fed khó có thể giảm tốc độ tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối cùng của năm như dự kiến", các nhà kinh tế của Bloomberg nhận định.

Các quan chức Fed đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát lạm phát, ngay cả khi điều đó có thể dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và suy thoái kinh tế.

Quyết tâm "đè bẹp" lạm phát của các ngân hàng trung ương toàn cầu đã khiến triển vọng kinh tế xấu đi. Nếu loại trừ sự sụt giảm chưa từng có vào năm 2020 do đại dịch Covid-19, IMF dự kiến ​​tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở mức yếu nhất kể từ năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Xem thêm >> IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, cảnh báo 'điều tồi tệ nhất đang đến'

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác