Chiến lược 'Trung Quốc + 1': Apple, Samsung, LG chọn Việt Nam đặt chuỗi cung ứng

Mai Lý - 04/07/2023 23:59 (GMT+7)

(VNF) - Căng thẳng thương mại giữa chính quyền Bắc Kinh và Washington cùng với những rủi ro đối với hoạt động kinh doanh gây ra bởi đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp tìm cách chuyển bớt dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Việt Nam, Ấn Độ là những cái tên hưởng lợi từ làn sóng này.

VNF

Sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Việt Nam, Ấn Độ… là một phần của chiến lược “Trung Quốc cộng một”. Một số nhà cung cấp lớn cho các công ty công nghệ toàn cầu như Apple đang tập trung tại khu công nghiệp ở Hải Phòng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đang có nhu cầu mở cơ sở sản xuất của mình tại đây.

Koen Soenens, Giám đốc tiếp thị và bán hàng của Khu công nghiệp ở Hải Phòng cho biết: “Các doanh nghiệp, công ty trong khu vực lân cận đang có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong khi đó, các công ty nước ngoài đã thâm nhập vào châu Á cũng muốn tìm kiếm thêm các địa điểm hoạt động mới”.

Khu công nghiệp Deep C 2 thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài

Trong năm 2022, tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, trong đó mức vốn FDI thực hiện đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 – 2022). Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút 962 dự án FDI mới, tăng 578 dự án so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ cùng với cơ sở hạ tầng đang ngày càng được cải thiện khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.

Số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng trong những năm qua

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy vẫn còn khá khó khăn trong việc tìm kiếm lao động tại Việt Nam. Ông Torbe Minko, Giám đốc điều hành của B.Braun Việt Nam cho biết: “Thị trường lao động ngày càng khó khăn hơn khi công ty nào cũng cần có lao động tay nghề cao”.

Một thách thức khác là Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ lớn từ các trung tâm sản xuất trong khu vực. Brian Lee Shun Rong, một nhà kinh tế tại Maybank ở Singapore cho hay, vị trí của Việt Nam cho phép việc vận chuyển nguyên vật liệu dễ dàng hơn nhưng cũng khiến chuỗi cung ứng của Việt Nam dễ bị tổn thương hơn. “Điều gì sẽ xảy ra nếu có bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng hàng nhập khẩu”, ông Lee nói.

Mức lương trung bình của người lao động tại các khu công nghiệp ở một số quốc gia (Đơn vị: USD)

Để hạn chế rủi ro này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang tìm cách để cải thiện toàn bộ hệ sinh thái nhà cung cấp. Đơn cử như Samsung đã xây dựng tới 6 nhà máy cùng trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Hay như LG cũng đã mang toàn bộ chuỗi cung ứng đến Việt Nam.

Bất chấp những hạn chế kể trên, Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Chiến lược “Trung Quốc cộng một” chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, mở ra cánh cửa cơ hội vô cùng to lớn cho Việt Nam.

Theo Financial Times
Cùng chuyên mục
Tin khác