Chính phủ đề xuất sửa khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Anh Minh - 17/09/2019 22:35 (GMT+7)

Công ty mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn có thể được gọi là doanh nghiệp nhà nước thay vì phải 100% vốn như hiện nay. 

VNF
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Đề xuất sửa khái niệm doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ đưa ra khi trình sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận chiều 17/9. 

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết sẽ đề xuất sửa theo hướng doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết cũng được tính là doanh nghiệp nhà nước.

Cơ quan thẩm tra, tức Uỷ ban Kinh tế, cho rằng quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại dự thảo chưa bảo đảm sự chi phối của nhà nước với các quyết định quan trọng, chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, việc thông qua nghị quyết của hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ phù hợp, bảo đảm được sự chi phối của nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.

Ủy ban này cũng đề nghị báo cáo đánh giá tác động của việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước tới số lượng, hoạt động quản trị của các doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp nhà nước cũng như bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm tránh gây xáo trộn, khó khăn không cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.

Cho ý kiến sau đó, ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, bày tỏ băn khoăn về sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước. Theo ông, khái niệm này tồn tại trong nhiều văn bản luật từ kinh tế, hành chính cho tới tư pháp.

"Ta nói doanh nghiệp bình đẳng nhưng vẫn có cái khác. Mở rộng khái niệm thì số lương, quyền nghĩa vụ sẽ thay đổi. Quy định pháp lý chuyển tiếp từ có thành không, không thành có, ví như có doanh nghiệp trước đây không phải thì nay là doanh nghiệp nhà nước, có anh trước không có quyền thì nay lại có quyền...", ông Định nói và cho rằng sửa đổi khái niệm này sẽ dẫn tới phải rà soát, sửa không chỉ ở 8 luật như tờ trình Chính phủ nêu. 

Cũng trong đợt trình sửa đổi này, Chính phủ còn đề xuất sửa một loạt nội dung mà theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ước tính là tới một nửa Luật Đầu tư 2014 và một phần tư số điều của Luật Doanh nghiệp 2014.

Ông Hiển nói so với mục tiêu đặt ra thì tờ trình hôm nay của Chính phủ "vượt xa so với dự kiến ban đầu là chỉ sửa một số điều cần thiết, cấp bách gây khó khăn cho môi trường đầu tư".

"Cần khẳng định rằng nếu sửa một số điều thì rút gọn lại cho hợp lý. Còn nếu sửa tách riêng 2 luật Doanh nghiệp và Đầu tư thì phải tiến hành đầy đủ trình tự thủ tục như lập cơ quan soạn thảo, lấy ý kiến thẩm định, đánh giá tác động... theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", ông Hiển lưu ý. 

Ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, cũng góp ý, việc sửa đổi khối lượng lớn và với những điều cơ bản như vậy thì nên tách ra sửa độc lập.

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ khẳng định chính thức sẽ sửa theo hướng nào, thì tiến hành bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ. Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lại về việc sửa đổi các luật này tại phiên họp thứ 38, vào tháng 10 tới. 

"Cấp bách thì cấp bách nhưng phải làm thận trọng, đúng quy định", ông Hiển nói. 

Theo VnE
Cùng chuyên mục
Tin khác