Tiêu điểm

Chính phủ xin Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa

(VNF) - Chính phủ đã có Tờ trình số 299/TTr-CP báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa (gọi tắt là dự thảo). Theo đó, Chính phủ xin Quốc hội cho Thanh Hóa được hưởng 8 cơ chế, chính sách đặc thù.

Chính phủ xin Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa

Chính phủ xin Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa

Nâng trần nợ vay lên 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp

Dự thảo quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, tỉnh Thanh Hóa được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức dư nợ vay 20% theo quy định hiện hành (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 2.636 tỷ đồng và dư nợ vay đến ngày 31/12/2021 của tỉnh dự kiến là 718 tỷ đồng. Nếu nâng hạn mức dư nợ vay 60% (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 7.909 tỷ đồng.

Tăng thu từ xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn

Dự thảo quy định hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng).

Việc bổ sung này nhằm giúp Thanh Hóa đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại khu kinh tế Nghi Sơn.

Thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn là nguồn thu ngân sách nhà nước quan trọng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhưng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì các khoản thu ngân sách này, trung ương hưởng 100%.

Được hưởng 50% khoản thu từ xử lý nhà, đất công

Dự thảo quy định ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.

Theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước, thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.

Qua rà soát, hiện nay có 63 cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (trừ các đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) dôi dư sau khi sát nhập đơn vị với diện tích đất khoảng 115 nghìn m2.

Dự kiến tổng số thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất khoảng 886 tỷ đồng (bao gồm cả các chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới). Khi đó, kinh phí ngân sách tỉnh được hưởng theo tỷ lệ 50% khoảng 443 tỷ đồng.

Được áp phí, lệ phí chưa có trong Danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí

Dự thảo quy định HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn tỉnh phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (gọi tắt là Danh mục).

HĐND cũng được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục, trừ án phí, lệ phí tòa án.

Dự thảo cũng quy định ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại điểm a khoản 4 Điều này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh và không dùng để xác định số bổ sung cân đối ngân sách và số bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh.

Dự thảo lưu ý việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh quy định tại điểm a khoản 4 Điều này phải tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của tỉnh, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ, thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước.

Theo quy định tại Điều 21 Luật Phí và lệ phí, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; xem xét, cho ý kiến để UBND cấp tỉnh đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phí và lệ phí, giữa hai kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính - ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế.

Chính phủ cho rằng Thanh Hóa là tỉnh có quy mô diện tích, dân số lớn, số lượng các đơn vị hành chính nhiều, nhiều huyện miền núi, nhiều dân tộc khác nhau, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đặt ra yêu cầu đối với nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước phải phù hợp, hài hòa giữa các vùng, miền, đối tượng, ngành, lĩnh vực. Việc đề xuất Quốc hội cho phép tỉnh Thanh Hóa được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn sẽ tạo điều kiện cho tỉnh có thêm dư địa nguồn lực tài chính bổ sung cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi của tỉnh.

Được phân bổ thêm chi thường xuyên

Dự thảo quy định tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Chính phủ cho rằng nhu cầu chi đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chi cải cách tiền lương, chi duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông, chi cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, chi đầu tư phát triển của tỉnh Thanh Hóa rất lớn so với các địa phương khác.

Trong khi đó, một số chính sách do Trung ương ban hành nhưng chưa cân đối được hoặc chỉ cân đối một phần nguồn kinh phí thực hiện, phần còn lại do địa phương phải tự đảm bảo. Điều này dẫn đến áp lực lớn cho chi ngân sách địa phương hằng năm của tỉnh...

Nếu vẫn áp dụng định mức phân bổ chi cho tỉnh Thanh Hóa như hiện nay sẽ khó đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của tỉnh trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tăng quyền quản lý đất đai

Dự thảo quy định HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20 ha theo quy định của pháp luật về đất đai.

Theo Chính phủ, hiện nay, quy hoạch sử dụng đất tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ phê duyệt đã quy định cụ thể diện tích (ha) đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được chuyển đổi mục đích sử dụng trong kỳ quy hoạch. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án đầu tư, tỉnh vẫn phải tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Để thực hiện việc phân cấp, phân quyền, tăng tính chịu trách nhiệm của địa phương, tạo sự chủ động, thu hút nhà đầu tư, rút ngắn thủ tục hành chính cho một địa phương có tốc độ phát triển nhanh, có tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư lớn, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép HĐND tỉnh Thanh Hóa được quyết định chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên; từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên.

Phân cấp cho tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch

Dự thảo quy định trên cơ sở đồ án quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (các khoản 1, 9, 12 Điều 28 và khoản 7, 10 Điều 29), Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng khu chức năng , cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định.

HĐND tỉnh được quyết định chuyển mục đích rừng sản xuất dưới 1.000ha 

Dự thảo quy định HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 50 ha theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. 

Hiện tại, Điều 20 Luật Lâm nghiệp quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.

Tin mới lên