Tài chính

'Chính sách hỗ trợ cần 6 - 12 tháng để thẩm thấu, TTCK vẫn đang trong xu hướng tăng'

(VNF) - Trả lời trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show), chuyên gia lưu ý chính sách để thẩm thấu vào nền kinh tế luôn có độ trễ từ 6 tháng tới 1 năm. "Chúng ta đang trong giai đoạn bước đầu khắc phục sự khó khăn. Tuy nhiên, tổng thể trong năm nay, TTCK vẫn đang trong xu hướng tăng so với năm ngoái", chuyên gia nói.

'Chính sách hỗ trợ cần 6 - 12 tháng để thẩm thấu, TTCK vẫn đang trong xu hướng tăng'

Ông Lê Quang Chung (bên phải) và ông Huỳnh Anh Tuấn tại chương trình.

Doanh nghiệp phục hồi dần, thị trường vẫn đang đi lên

Theo ông Lê Quang Chung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Smart Invest (AAS), diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) phụ thuộc vào chính sách kinh tế vĩ mô và sức khỏe doanh nghiệp. Giai đoạn TTCK tăng mạnh với thanh khoản tăng cao là thời điểm khi đó có sự thay đổi chính sách vĩ mô và đợt tăng giá đó của TTCK đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ. Khi tăng lên mặt bằng giá cao, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa cải thiện như kỳ vọng khiến thị trường điều chỉnh và dòng tiền đầu cơ thu hẹp lại.

Chuyên gia AAS cho rằng đây là hiện tượng tương đối bình thường. Về tổng thể, TTCK Việt Nam vẫn đi lên như cách mà các doanh nghiệp kinh doanh đang phục hồi dần.

“Chúng ta phải hiểu chính sách để thẩm thấu vào nền kinh tế luôn có độ trễ từ 6 tháng tới 1 năm. Do vậy, chúng ta đang trong giai đoạn bước đầu khắc phục sự khó khăn. Với triển vọng như vậy thì rõ ràng nhà đầu tư cũng cần thời gian quan sát thành quả của sự giải quyết khó khăn và họ thận trọng cũng không phải là điều ngạc nhiên. Tuy nhiên, tổng thể trong năm nay, TTCK vẫn đang trong xu hướng tăng so với năm ngoái khi mặt bằng giá cổ phiếu, đặc biệt là nhóm Midcap có xu hướng cao hơn năm ngoái”, ông Chung nhận định.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, thị trường chứng khoán đã có 8 tháng tăng trưởng khá tốt, thanh khoản cũng gia tăng và thu hút nhà đầu tư. Nhưng sau khi kết quả kinh doanh quý III/2023 được công bố, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu áp lực chi phí tài chính khá cao, chỉ có các doanh nghiệp trong nhóm VN30 có tốc độ tăng trưởng dương. Đặc biệt, nhóm bất động sản chịu nhiều áp lực và nhà đầu tư vẫn trong trạng thái chờ đợi thêm những tín hiệu mới từ nền kinh tế.

“Nhà đầu tư họ chờ đợi bởi vì như chúng ta vẫn thấy đâu đó thị trường bất động sản dù có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa có một sản phẩm mới nào để đưa ra thị trường. Chúng ta thấy sự phát triển quá nóng trước đây của thị trường bất động sản đã gây ra những hậu quả này. Còn nhóm ngân hàng cũng chưa có sự tăng trưởng như kỳ vọng. Trong khi đó, cấu trúc của thị trường chứng khoán hiện nay, nhóm bất động sản và nhóm ngân hàng là 2 nhóm chiếm tỷ trọng tương đối lớn, khoảng 30%, 40% trong VN-Index”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phải củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Đưa ra giải pháp hỗ trợ thị trường trong thời gian tới, ông Lê Quang Chung cho hay trên cơ sở những chính sách đã và đang thực hiện, có thể bổ sung những chính sách như đẩy mạnh đầu tư công vào phân khúc kinh tế số, đặc biệt là về hạ tầng số, khuyến khích tập trung vào 5G, Internet vạn vật, trung tâm điện toán thông minh, trung tâm dữ liệu, Internet vệ tinh...

Về các mảng kinh tế số, khuyến khích tập trung vào trung tâm dữ liệu, Internet công nghiệp, dữ liệu lớn, bảo mật dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Kích hoạt mạnh thị trường vốn bằng cách tăng cung hàng chất lượng và mở rộng cấp phép thành lập các công ty quản lý quỹ, các nhà đầu tư tổ chức... cũng như tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa và đưa lên sàn sớm, giúp thị trường vốn sôi động và bền vững hơn…

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Chung cho rằng các yếu tố như giải pháp nâng hạng thị trường, đưa vào vận hành hệ thống KRX sẽ giúp thanh khoản thị trường tiếp tục gia tăng, cũng như các doanh nghiệp nỗ lực cải thiện hoạt động kinh doanh sẽ là các yếu tố thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán trong năm 2024. Trong đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn tốt lên trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán sẽ tích cực hơn trong năm tới.

Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn nhấn mạnh phải củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư. Chính phủ thực hiện hàng loạt các giải pháp tuy nhiên cần có thời gian để thị trường hấp thụ và nhà đầu tư thấy những chính sách đó đi sâu vào thực tế và đạt được những hiệu quả.

“Tôi cho rằng, tất cả những giải pháp vừa qua là rất tốt. Vấn đề chúng ta phải quyết liệt thực hiện những giải pháp này, đưa nó vào thực tiễn sâu hơn. Nếu như chúng ta thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp như thế thì tôi cho rằng là khả năng dòng tiền sẽ quay lại sớm. Bởi vì đơn giản hiện nay với lãi suất tiết kiệm đâu đó chỉ có 5%, thậm chí dưới 5%, thì trong trường hợp có những doanh nghiệp đang chỉ có giá 10.000 đồng nhưng mà họ đã chia cổ tức tới 15% hay tốc độ tăng trưởng họ đâu đó là khoảng 10%/năm thì rõ ràng so với gửi tiết kiệm chỉ 5%/năm thì nhà đầu tư đầu tư vào chứng khoán sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần lựa chọn doanh nghiệp tốt để đầu tư và hiện nay đang có nhiều doanh nghiệp như vậy trên sàn chứng khoán”, ông Tuấn nói.

TalkShow Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.
Tin mới lên