Tiêu điểm

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8: Rút tiết kiệm trước hạn vẫn hưởng lãi cao

(VNF) - Từ ngày 1/8/2022, nhiều chính sách mới có hiệu lực như thu phí điện tử không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc đường bộ; rút tiết kiệm trước thời hạn vẫn hưởng lãi cao; thuê bao di động mới phải xác thực trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8: Rút tiết kiệm trước hạn vẫn hưởng lãi cao

Từ ngày 1/8/2022, rút tiết kiệm trước thời hạn vẫn hưởng lãi cao

Rút tiết kiệm trước thời hạn vẫn hưởng lãi cao

Ngày 16/6/2022, Ngân hàng Nhà Nước ban hành thông tư số 04/2022/TT-NHNN Quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022.

Cụ thể, trường hợp rút toàn bộ tiền gửi áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.

Trường hợp rút một phần tiền gửi trước hạn áp dụng mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn...

Thu phí điện tử không dừng trên tất cả các tuyến cao tốc

Từ ngày 1/8/2022, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương sẽ triển khai thu phí hoàn toàn tự động (ETC) đối với tất cả tuyến cao tốc. Nếu tài xế không dán thẻ tham gia dịch vụ ETC mà đi vào cao tốc sẽ bị xử phạt theo quy định.

Cụ thể, các trường hợp không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Trước đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tổ chức thu phí toàn bộ theo hình thức tự động không dừng từ ngày 1/6/2022.

Thuê bao mới phải xác thực cơ sở dữ liệu dân cư

Từ ngày 1/8, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM 'rác'.

Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới, thực hiện rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, phương án tổ chức thực hiện đối soát, xác thực thông tin thuê bao đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.

Bổ sung thêm hai lĩnh vực giám định trong tư pháp

Thông tư số 40/2022 do Bộ Tài chính ban hành quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Trong đó quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm tám trường hợp. Cụ thể là giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; giám định tư pháp về giá; giám định tư pháp về chứng khoán; giám định tư pháp về thuế; giám định tư pháp về hải quan; giám định tư pháp về tài sản công; giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

So với Thông tư 138/2013 hiện hành, Thông tư số 40/2022 đã bổ sung hai lĩnh vực giám định tư pháp là giám định tư pháp về tài sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.

Thông tư 40/2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8.

Tin mới lên