Chính thức siết các ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng lớn
(VNF) - Các ngân hàng thương mại phải giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng từ 1/7. Quy định mới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức cho ngân hàng và các khách hàng doanh nghiệp lớn.
Hôm nay (1/7), Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực đồng nghĩa với lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng chính thức bắt đầu.
Luật sửa đổi quy định lộ trình 5 năm để các ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài giảm dần hạn mức tín dụng đối với một khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung.
Theo đó, trong 5 năm tới, tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10% trong năm 2029 (mỗi năm giảm 1%). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15% năm 2029 (mỗi năm giảm 2%).
Từ ngày 1/7/2024 đến trước ngày 1/1/2026, giới hạn cấp tín dụng sẽ giảm về 14% với một khách hàng và 23% với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Quy định mới mang lại nhiều cơ hội song cũng có nhiều thách thức cho ngân hàng và các khách hàng doanh nghiệp lớn.
Quy định mới này được giới phân tích đánh giá sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro cho vay phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, tránh gây bất ổn cho hệ thống. Việc ban hành lộ trình giảm dần tỷ lệ cấp tín dụng này cũng giúp các doanh nghiệp lớn tránh bị đứt gãy vốn đột ngột.
Bên cạnh đó, quy định mới này sẽ thúc đẩy các tổ chức tín dụng đa dạng hóa danh mục tín dụng, phân tán rủi ro tín dụng trên nhiều đối tượng vay. Điều này cũng mang lại lợi thế tiềm năng cho các doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm khoản vay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhìn nhận, giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ khiến các ngân hàng hạn chế tình trạng tập trung vốn tín dụng vào một khách hàng hay nhóm khách hàng, khuyến khích đồng tài trợ, từ đó giảm rủi ro, tăng cường minh bạch. Việc giảm giới hạn cấp tín dụng cũng sẽ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, tránh doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng quy định trên sẽ khiến việc cấp tín dụng cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ bị ảnh hưởng.
Với quy định này, các ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp lớn gặp nhiều thách thức như phải điều chỉnh chiến lược cho vay tín dụng và cập nhật quy trình quản lý rủi ro tín dụng cùng hệ thống công nghệ thông tin. Thêm nữa, việc siết giới hạn cấp tín dụng cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ với khách hàng. Đối với phía khách hàng cũng gặp thách thức tăng độ phức tạp và chi phí vay để đảm bảo nguồn vốn.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay quy định trên ảnh hưởng mạnh nhất tới các ngân hàng có dư nợ cao với nhóm khách hàng lớn. Các nhà băng sẽ phải giảm dư nợ cho vay với các đối tượng này và tìm kiếm các khách hàng khác để bù đắp.
Về phía doanh nghiệp, để đáp ứng quy định trên, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ phải chấp nhận giảm dư nợ, đồng nghĩa giảm hoạt động kinh doanh, hoặc tìm kiếm thêm nguồn vốn ở ngân hàng khác để bù đắp phần vốn vay giảm sút.
Theo giới chuyên gia, việc giảm giới hạn liên tiếp 5-10% trong vòng 5 năm đồng nghĩa với áp lực cắt giảm lượng lớn dư nợ tín dụng. Không loại trừ có tình trạng doanh nghiệp - ngân hàng “lách” quy định bằng cách thành lập hoặc lôi kéo các doanh nghiệp khác để giữ nguyên tỷ lệ vay 15% và 25% hiện tại, thay vì giảm xuống 10% và 15%.
Tăng trưởng tín dụng đạt 4,45%, hơn 600 nghìn tỷ được "bơm" ra nền kinh tế
- Siết tín dụng bất động sản khó chặn được cơn sốt đất 14/04/2021 11:45
- 'Siết' tín dụng bất động sản: Vì sao nhắm vào cá nhân? 09/05/2019 03:05
- Năm 2017, NHNN tiếp tục siết tín dụng bất động sản, BOT, BT giao thông 09/02/2017 01:25
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.