Bất động sản

Chính thức thí điểm cơ chế đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

(VNF) - Tại Phiên họp chuyên đề về pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 

Chính thức thí điểm cơ chế đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 

Dựa trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 1499/TB-TTKQH thông báo kết luận về nội dung này.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải ban hành cơ chế đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và thống nhất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. 

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá việc triển khai Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó làm rõ các chính sách đã, đang và sẽ được Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột triển khai theo thẩm quyền ngoài các chính sách đề xuất dự thảo Nghị quyết; việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cần tạo bước đột phá, thực sự là nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên nhằm cụ thực hiện các mục tiêu tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề nghị của Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột được thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp phần dư nợ tăng thêm so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, dành toàn bộ để đầu tư cho các dự án liên quan trên thành phố Buôn Ma Thuột.

Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để thành phố Buôn Ma Thuột được hưởng và sử dụng thêm toàn bộ phần dư nợ vay tăng thêm.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo chỉ tiêu phần trăm định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số đối với dân số thuộc thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện nghị quyết thí điểm.

Số phân bổ tăng thêm được bố trí chi cho các nhiệm vụ chi được phân bổ cho thành phố Buôn Ma Thuột. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp với thành phố Buôn Ma Thuột, được hưởng và sử dụng thêm toàn bộ phần được bổ sung tăng thêm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng chính sách ưu đãi thu thuế doanh nghiệp cho các dự án đầu tư trên thành phố Buôn Ma Thuột trong điều kiện được áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi, mức độ ưu đãi, lĩnh vực ưu đãi như Chính phủ trình. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện Nghị quyết, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, phù hợp với thực tế.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thành phố Buôn Ma Thuột theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng chính sách Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk được ban hành chính sách ưu đãi cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt như Chính phủ trình. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện Nghị quyết, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, phù hợp với thực tế.

Về áp dụng pháp luật, trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với Luật, Nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thực hiện trong vòng 5 năm.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương đã được Quốc hội thông qua; đề xuất một số cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên. 

Tin mới lên