Chịu tác động bởi Covid-19, Honda Việt Nam 'nhiều khả năng sẽ chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu'
Lê Ngà -
06/05/2020 15:08 (GMT+7)
(VNF) - Trước tình hình thị trường ô tô, xe máy suy giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19 và có thể kéo dài sang năm tiếp theo, Honda Việt Nam cho biết nhiều khả năng hãng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu.
Trong văn bản mới đây gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Honda Việt Nam nhận định kết quả kinh doanh của hãng sẽ giảm 30% trong năm 2020 đối với ô tô và 43% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020 đối với xe máy.
Theo Honda Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm thị trường ô tô đã giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019, thị trường xe máy bắt đầu bị ảnh hưởng từ tháng 4 năm 2020.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến doanh thu và sản lượng được Honda Việt Nam chỉ ra là do các đại lý tạm ngừng hoạt động theo chỉ thị giãn cách xã hội, nhà máy tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian hay nguồn cung ứng linh phụ kiện bị thiếu.
Nhận định về cơ hội phát triển, Honda Việt Nam cho biết nhiều khả năng công ty sẽ chuyển đổi từ sản xuất sang nhập khẩu.
“Do tình hình thị trường ô tô, xe máy suy giảm do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 và có thể kéo dài sang năm tiếp theo, công ty sẽ khó có thể khôi phục lại sản xuất như kế hoạch đề ra. Theo đó, sản lượng ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm do khó khăn trong việc khôi phục sản xuất, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn còn, chính vì vậy nhiều khả năng hãng sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất sang nhập khẩu”, văn bản của Honda Việt Nam nêu.
Trước những khó khăn trên, Honda Việt Nam cho rằng cần điều chỉnh lại một số nội dung quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, Nghị định 41/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng được áp dụng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất chủ đề cập đến ngành nghề sản xuất ô tô và xe có động cơ khác nhưng không đề cập đến ngành nghề sản xuất ô tô, xe máy, do đó Honda Việt Nam cho rằng điều này là chưa phù hợp.
Cũng tại văn bản này, Honda Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị đóng góp về dự thảo Nghị quyết hỗ trợ sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, Honda Việt Nam kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ và giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho khách hàng khi mua ô tô, xe máy; bổ sung đối tượng được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp; hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho doanh nghiệp sản xuất ô tô; giảm từ 5% - 6% đối với doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho ô tô, xe máy.
Kiến nghị về chính sách quản lý chất lượng, Honda Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp nhận kết quả đánh giá COP (đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm) hoặc chứng chỉ IOS 9001 được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài còn hiệu lực để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận chất lượng cho xe và linh kiện nhập khẩu.
Về miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng để sản xuất xe trong nước theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Honda Việt Nam đề xuất giảm yêu cầu sản lượng giêng, sản lượng chung tối thiểu của Nghị định 125/2017/NĐ-CP trong năm 2020, nếu được thì xem xét hỗ trợ luôn trong cả năm 2021.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô, Honda Việt Nam cho rằng cần có ưu đãi đặc biệt về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng trừ đi phần giá tị gia tăng trong nước để hỗ trợ sản xuất trong nước.
Trong tờ trình mới nhất về dự thảo Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong Covid-19 do Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính không đồng tình giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 5% cho các nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Tài chính cũng không đồng ý giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong năm 2020 do nội dung này trùng với một số chính sách dự kiến áp dụng.
Về việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 cũng không được Bộ Tài chính đồng ý vì nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Tài chính chỉ chấp thuận giảm 50% thuế bảo vệ môi trường vớinhiên liệu bay để cứu ngành hàng không vì ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone