Ngân hàng

Chợ Việt xưa và nay: Nhìn lại hoạt động của hai ngân hàng đầu thế kỷ 20

(VNF) - Từ đầu thế kỷ 20, các ngân hàng đã xuất hiện tại Việt Nam như là một phần trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Nhân dịp đầu năm, Đầu tư Tài chính xin trích đăng phần viết về hai ngân hàng của giai đoạn này của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, trích từ cuốn khảo cứu lịch sử mới được xuất bản trong năm 2021.

Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine)

Hai ngân hàng ở Pháp, Comptoir d’Escompte de Paris (CE.) và Crédit Industriel et Commerical (CIC), muốn thiết lập một hệ thống ngân hàng ở Viễn Đông để mở rộng thương mại đến châu Á, nên đã lập ra một ngân hàng tư nhân gọi là Banque de l’Indochine. Chi nhánh đầu tiên được thành lập ở Sài Gòn vào năm 1875.

Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine) được chính phủ Pháp cho phép in và phát hành tiền đồng Đông Dương (piastre) ở Nam kỳ cho chính phủ Pháp qua hợp đồng 20 năm, được quyên tiền và trả chi phiếu (cheque). Năm 1876, tiền giấy Đông Dương lần đầu tiên được phát hành ở Nam kỳ với chữ ký bằng tay của người quản trị ngân hàng. Các thương gia người Hoa xem trọng loại tiền mới bằng giấy này, thay thế các loại tiền làm bằng đồng, kẽm và bạc trước đây (như đô-la Mễ Tây Cơ, Mexican dollar). Từ năm 1885 đến năm 1898, Banque de l’Indochine thiết lập các chi nhánh ở Đông Dương, Xiêm La, Hồng Kông, Thượng Hải.

Trong Hội đồng quản trị của ngân hàng có các nhân viên chính quyền thuộc địa được bổ nhiệm. Mặc dầu có sự liên hệ chặt chẽ với chính phủ Đông Dương nhưng đa số hoạt động của ngân hàng là độc lập, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền, thí dụ ngân hàng đã thành công trong việc phản đối lại các ý định thay thế tiền Đông Dương bằng tiền franc. Lợi nhuận từ phát hành tiền Đông Dương là lý do chính mà Ngân hàng Đông Dương không muốn tiền franc thay thế tiền đồng (piastre). Ngân hàng Đông Dương có quyền hạn rất lớn và hầu như độc lập với chính quyền, nhưng lại phục vụ cho quyền lợi của các cố đông nên đã bị chỉ trích khi quyền lợi đó đặt trên quyền lợi của các nhà doanh nghiệp hay công ty thương mại khác. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1929-1933, nhiều doanh nghiệp bị phá sản vì Ngân hàng Đông Dương xiết nợ. Các cuộc biểu tình ở Sài Gòn của cả người Pháp và người Việt nhằm chống lại hành động thanh lý tài sản bất công của ngân hàng.

Ngân hàng Đông Dương đáng lẽ ra phải làm đúng chức năng cung cấp tín dụng có hiệu quả để phát triển kinh tế Đông Dương nhưng ở Nam kỳ đa số những người tiểu nông, thương mại nhỏ vay phải vay mượn từ những người Xá tri (Chettys, Chệt-ti) cho vay với lãi suất rất cao. Tờ Chantecler ngày 24/8/1933 có đăng lại một bài bình luận về Ngân hàng Đông Dương từ tờ báo Journal d’Outre-Mer và so sánh hoạt động của ngân hàng này với những người Chệt-ti ở Nam kỳ cho vay cắt cổ. Bài báo cho ta thấy từ hơn 50 năm, cho đến năm 1933, người Chệt-ti đã hoạt động cho vay và phát triển rộng rãi mà không hề bị cấm đoán hay hạn chế, mặc dù tất cả mọi người từ Pháp, Việt và Hoa đều than phiên về tệ nạn này. Nhưng Ngân hàng Đông Dương cũng là nguyên nhân, thực sự là nguyên nhân chính, để tình trạng này phát triển lan tràn và chính phủ đã bỏ qua mà không quan tâm, và để nhóm lợi ích tài chính này thao túng.

Bài báo cho thấy trên thị trường tài chính lúc bấy giờ, một ngân hàng phát hành lại tham gia vào tín dụng, thêm vào đó là không có một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các công ty hay tổ chức tín dụng nên lãi suất tín dụng không theo đúng quy luật thị trường và để sự xuất hiện của người Chệt - ti (Chettys) cho vay cắt cổ. Điều này làm trì trệ sự phát triển kinh tế và gây ra nhiều vấn nạn xã hội.

Ngân hàng Pháp - Hoa (Banque Franco - Chinoise)

Ngân hàng Pháp - Hoa Thương mại và Kỹ nghệ (Banque Franco Chinoise pour le Commerce et l’Industrie, BFC), có trụ sở chính ở Pháp (74 rue Saint - Lazarre, Paris) và các chi nhánh ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Hồng Kông và ở Đông Dương (Sài Gòn, Hà Nội và Nam Vang). Chi nhánh của BFC tại Sài Gòn ban đầu nằm ở góc đường Quai de Belgique và Guynemer (nay là Võ Văn Kiệt và Hồ Tùng Mậu). Đến năm 1939, BFC mua lại toàn bộ Công ty tài chính Pháp và thuộc địa (Société Financière Française et Colonial, SFFC) và dời trụ sở về trụ sở trước đây của SFFC (số 32 Boulevard de la Somme, nay là đường Hàm Nghi).

Tòa nhà ở số 32 đường Hàm Nghi, được xây vào các năm 1925 -1926, là tổng hành dinh của SFFC. Đây là công ty tài chính lớn được thành lập năm 1920 bởi ông Octave Homberg, một doanh nhân giàu có. Ông Homberg cùng với ông Candelier đứng sau vụ “affaire Candelier” vào năm 1924, định nắm độc quyền điều hành cảng Sài Gòn trong 20 năm, mặc dầu được Thống đốc Nam kỳ Maurice Cognacq hỗ trợ, nhưng dự định độc quyền không thành do sự phản đối của nhiều người Pháp, Việt và Hoa trong giới doanh nhân và chính quyền .

Công ty SFFC đầu tư trong nhiều lãnh vực quan trọng của nền kinh tế Đông Dương, lập ra nhiều chi nhánh, đầu tư vào các công ty con như Công ty cao su Đông Dương (Société des Caoutchoucs en verd de l’Indochine), Công ty Pháp sản xuất rượu (Société Française des Distilleries), Công ty than Bắc kỳ (Société des Anthracites du gaub Tonkin), Công ty cung cấp nước và điện Đông Dương (Société des Eaux et Electricité de l’Indochine), Công ty đường và lọc đường Đông Dương (Société des Sucreries et Raffineries de l’Indochine), và Công ty năng lượng điện Đông Dương (Energie Electrique Indochinoise).

Chi nhánh Ngân hàng Pháp - Hoa ở Sài Gòn hoạt động cho đến năm 1975. Từ năm 1997 đến nay, tòa nhà số 32 đường Hàm Nghi là trụ sở của Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Housing Bank, MHB).

(Trích “Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam kỳ”)
 

Tin mới lên